Đoạn clip ghi lại cảnh dòng người ra khỏi bệnh viện với tướng đi hết sức kỳ quặc đã thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Được biết, đoạn video gây sốc này được quay hôm 28/1 tại một bệnh viện ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc.
Đáng quan ngại hơn, nhiều thông tin cho rằng những người này phải di chuyển trong tư thế dạng hai chân, bước đi lạch bạch như chim cánh cụt sau khi thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng cách... ngoáy hậu môn. Đây là phương pháp vừa được cơ quan y tế Trung Quốc triển khai với hy vọng nâng cao hiệu quả phát hiện COVID-19.
Không lâu sau khi được đăng tải, đoạn clip đã bị gỡ xuống với lý do "bị chỉnh sửa để loan tin đồn thất thiệt". Ngay sau khi đoạn clip được chia sẻ rộng rãi, các quan chức Trung Quốc đã cam đoan với người dân rằng quá trình xét nghiệm bằng cách thu thập dịch hậu môn sẽ không khiến họ phải bước đi với tư thế xấu hổ đến vậy. Tuy nhiên, nhà chức trách không giải thích vì sao những người xuất hiện trong clip lại có tướng đi lạ lùng như thế.
Các trung tâm kiểm dịch tại đất nước tỷ dân đã bắt đầu sử dụng tăm ngoáy hậu môn để lấy mẫu dịch nhằm xét nghiệm COVID-19. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng phương pháp này có độ chính xác cao hơn nhiều so với những cách xét nghiệm cũ.
Theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng, nhân viên y tế cần đưa một chiếc que có bông gạc ở đầu vào sâu khoảng 3 - 5 cm trong trực tràng người được xét nghiệm, sau đó ngoáy vài lần để thu thập mẫu dịch hậu môn. Quá trình này mất khoảng 10 giây để hoàn thành.
Trong một bài đăng hôm 31/1, chính quyền địa phương đã trích dẫn thông tin từ Sở Y tế thành phố Thạch Gia Trang và một vị bác sĩ để chứng minh việc xét nghiệm ngoáy hậu môn gây khó chịu chỉ là "tin vịt". Bài viết thừa nhận các nhân viên y tế tại đây đã áp dụng biện pháp thử nghiệm COVID-19 trên đối với các bệnh nhân nhập viện, nhưng chưa bao giờ sử dụng khi xét nghiệm hàng loạt trong cộng đồng. Bệnh nhân cũng sẽ không cảm thấy khó chịu sau khi làm xong.
Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã triển khai biện pháp xét nghiệm mới này vào tuần trước, sau khi mẫu dịch thu được từ một cậu bé 9 tuổi cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
"Dấu vết của virus sẽ biến mất trong cổ họng bệnh nhân sau 3-5 ngày. Nhưng chúng lại tồn tại lâu hơn trong các mẫu bệnh phẩm lấy từ tiêu hóa và phân của họ", trích lời bác sĩ Li Tongzeng, phó chủ nhiệm khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Hựu An ở Bắc Kinh.
Tuy vậy, có khá nhiều tranh cãi xoay quanh độ chính xác của phương pháp này. Một chuyên gia y tế chia sẻ với Global Times rằng cách thử nghiệm bằng dịch mũi và họng vẫn là biện pháp hiệu quả hàng đầu hiện nay, vì virus đã được chứng minh là lây nhiễm qua đường hô hấp trên chứ không phải hệ tiêu hóa.
Trung Quốc đã ghi nhận hơn 2000 ca nhiễm COVID-19 mới trong tháng 1 này, con số cao nhất kể từ đợt bùng phát hồi tháng 3/2020. Trước tình hình đó, chính phủ nước này đã tăng cường các biện pháp hạn chế di chuyển, thậm chí phong toả khu vực nếu cần thiết. Đồng thời, nhà chức trách còn đề xuất nhiều ưu đãi cho công nhân viên không về quê trong kỳ nghỉ Tết năm nay.