Theo dự báo, vào ngày 18/5/2019 này, người dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn độc đáo mang tên Trăng xanh.
Trên thực tế, có hai loại Trăng xanh khác nhau và một trong số đó được sinh ra từ sự hiểu nhầm.
Thông thường, mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do Mặt trăng quay quanh trái đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày, nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Vì thế sau khoảng 2-3 năm sẽ có một năm âm lịch với 13 tháng, tương ứng với 13 lần trăng tròn. Dân gian gọi lần mọc thứ 13 đó là Trăng xanh. Và theo chu kỳ thì ngày 18/5/2019 này sẽ xuất hiện Trăng xanh, dự báo Trăng xanh sẽ xuất hiện vào lúc 20h tối ngày 18/5 theo giờ New York.
Còn Trăng xanh theo tháng là lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng. Định nghĩa này trở nên phổ biến trong những năm gần đây bởi một lần phân tích nhầm về định nghĩa gốc trong một cuốn niên giám.
Bên cạnh đó, Trăng xanh không có nghĩa là Trăng có màu xanh, trong thành ngữ once in a blue moon, Trăng xanh được dùng để ám chỉ một sự việc rất hiếm khi xảy ra.
Mặt khác, nhiều người nhầm tưởng Trăng xanh tức là mặt trăng có màu xanh nhưng sự thật là từ blue trong từ blue moon chỉ là cách nói lái đi của từ blewe - tiếng Anh cổ của từ betrayer- có nghĩa là kẻ phản bội. Thông thường, một năm sẽ chỉ có 12 lần trăng tròn, nếu trăng tròn xuất hiện lần thứ 13 - nó sẽ được coi là đã “phản bội” hay không tuân theo chu kỳ âm lịch.
Tuy nhiên đôi khi vẫn quan sát thấy Trăng xanh có màu xanh nếu ánh sáng đỏ bị lọc ra và khí quyển của nó được bao phủ bởi cát đá và bụi.