Trận đấu giữa đội chủ nhà Chile và Italia cho đến nay vẫn được coi là trận bóng bạo lực nhất lịch sử, với tính chất không khác gì một cuộc chiến.
Khi trận đấu được phát lại trên truyền hình Anh, người dẫn chương trình khi đó đã cảnh báo: “Đây là trận đấu ngu ngốc, tàn bạo, xấu hổ và đáng quên nhất lịch sử bóng đá”.
Tính chất bạo lực của trận đấu giữa Chile và Italia trong khuôn khổ World Cup khiến người ta nhớ đến ngày nay với tên gọi là “trận chiến Santiago”.
Căng thẳng sau Thế chiến 2
Vào năm 1962, Thế chiến 2 đã trôi qua 17 năm nhưng những dư âm của nó thì vẫn khó có thể quên được trong tâm trí nhiều người dân trên thế giới.
Chính phủ Chile vào thời điểm đó theo thiên hướng cánh tả cực đoan, bảo vệ quyền lợi của thợ thuyền và người dân lao động.
Người dân của đất nước Nam Mỹ này có ấn tượng xấu với nước Italia từng theo chủ nghĩa phát xít dưới thời nhà độc tài Benito Mussolini. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người Chile ở thủ đô Santiago khi phải đối đầu với đội tuyển Italia.
Mâu thuẫn giữa còn bị đẩy cao vào năm 1960 khi Chile trải qua trận động đất tại Valvidia. Đây được coi là một trong những trận động đất mạnh nhất trong lịch sử quốc gia này. Trận động đất tàn phá cơ sở hạ tầng của Chile, khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị cho World Cup 1962.
Hai năm sau, hai nhà báo Italia là Antonio Ghirelli và Corrado Pizzinelli đến Chile đưa tin về World Cup 1962 nhưng không ngừng chê bai quá trình chuẩn bị của nước chủ nhà.
Họ viết rằng điện thoại không hoạt động, taxi gần như không có, điều kiện tác nghiệp hết sức nghèo nàn. Báo Chile đáp trả, cáo buộc người Italia nói chung đều là phát xít, dối trá còn các cầu thủ Italia lại dính líu đến bê bối doping, ma túy.
Hai nhà báo Ghirelli và Pizzinelli cuối cùng phải phải rời giải đấu trước ngày khai mạc vì không ngừng bị đe dọa đến tính mạng.
Căng thẳng leo thang khiến cảnh sát ở thủ đô Santiago được huy động để đảm bảo an ninh trên khắp con phố. Cổ động viên người Chile còn bị đánh trọng thương vì người khác tưởng lầm họlà người Italia. Các nhóm cổ động viên Italia đến Chile cổ vũ cũng không ngần ngại đáp trả các cổ động viên chủ nhà.
Một vài cuộc đụng độ nhỏ xảy ra ngoài các quán rượu. Trên một bức tường gần sân vận động Nacional, có ghi dòng chữ: “Tiêu diệt lũ phát xít”. Trong ngày diễn ra trận đấu, xe chở đội tuyển Italia được quân đội Chile hộ tống.
Trận chiến Santiago
Căng thẳng ngoài sân nhanh chóng lan vào trong sân cỏ chỉ sau 12 giây thi đấu. Cầu thủ hai đội lăn xả vào nhau như một trận chiến chứ không phải trận bóng đá.
Đến phút thứ 12, Giorgio Ferrini bên phía Italia nhận thẻ đỏ sau pha phạm lỗi với Honorino Landa. Cầu thủ Italia mãi không chịu rời sân cho tới khi có sự can thiệp của cảnh sát. Ít phút sau đó, Landa trả đũa một đồng đội của Ferrini bằng một cú đấm.
Tình hình trên sân ngày càng trở nên không thể kiểm soát với những tình huống chơi xấu của hai đội. Ở thời điểm đó, thẻ vàng chưa xuất hiện nên trọng tài Ken Aston chỉ còn biết xoa dịu những cái đầu nóng bằng những lời khuyên.
Vài phút sau, Leonel Sanchez, ngôi sao trụ cột của Chile tung một cú móc trái rất hiểm hóc vào hậu vệ đối phương nhưng không bị trọng tài phát hiện. Hậu vệ Mario David trả đũa bằng cách đá thẳng vào đầu sau khi kéo ngã Sanchez. Pha chơi xấu lộ liễu này khiến cầu thủ Italia nhận thẻ đỏ rời sân.
Các cầu thủ Italia càng trở nên tức giận khi bị đuổi tới 2 người mà phía chủ nhà Chile vẫn còn 11 người trên sân. Họ lao vào các cuộc ẩu đả với đội chủ nhà, trận đấu nát vụn trong sự bất lực của trọng tài người Anh. Trong hiệp 2, Leonel Sanchez lại trở thành tâm điểm khi đấm vỡ mũi của Humberto Maschio.
Trên khán đài, CĐV của hai đội cũng không giữ được bình tĩnh. Màn mưa chai lọ được CĐV hai bên ném vào nhau cùng những lời chửi bới. Cảnh sát Chile không ít lần phải can thiệp trong khi ở dưới sân, đội tuyển Chile giành chiến thắng chung cuộc 2-0.
Nhiều quán bar, các công ty kinh doanh Chile khi đó tuyên bố cấm cửa người Italia sau trận đấu. Ngược lại, báo chí Italia không ngừng đăng tải bài viết cho rằng, đội tuyển nước này bị đối xử bất công.
Ken Aston, trọng tài điều khiển trận đấu không bao giờ quên được ký ức kinh hoàng. “Không khí khi đó không khác gì địa ngục, tất cả đều như phát điên và không thể kiểm soát tình hình”.
“Các cầu thủ không quan tâm đến những gì tôi nói, họ lao vào nhau như kẻ thù. Nếu tiếp tục rút thẻ đỏ, trận đấu có thể bị vỡ vụn. Tôi thực sự cảm thấy bất lực”, trọng tài Ken Aston nhớ lại.
Sau này, chính trọng tài Ken Aston là người đề xuất có thêm thẻ vàng để cảnh cáo các cầu thủ, với những pha phạm lỗi chưa đến mức phải rút thẻ đỏ.
Ý tưởng của ông được FIFA xem xét và chấp thuận. Tấm thẻ vàng từ đó ra đời và được chính thức áp dụng tại World Cup 1970 ở Mexico.