Khung thời gian đâm xuống Trái Đất của trạm vũ trụ Trung Quốc Thiên Cung 1 sẽ vào 8h 07 hôm nay theo giờ Việt Nam với khoảng chênh lệch là hai tiếng, theo BBC. Các chuyên gia đang theo dõi khi quỹ đạo của trạm ngày càng hạ thấp. Tuy nhiên, họ chỉ biết chắc chắn thời gian rơi chính xác ở cuối hành trình quay trở lại Trái Đất của trạm do những biến động khi tiếp xúc với khí quyển trên cao.
Trung Quốc đã mất liên lạc với trạm Thiên Cung 1 và do đó không thể kiểm soát hành trình rơi của trạm. Tuy nhiên, rủi ro các bộ phận của trạm Thiên Cung 1 đâm xuống khu dân cư rất thấp.
“Dù Thiên Cung 1 có khối lượng lớn hơn và cứng hơn nhiều vật thể từng rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất từ vũ trụ, trạm là đối tượng theo dõi của nhiều radar. Phần lớn trạm được cho là sẽ bốc cháy do nhiệt độ trong lúc rơi trở lại khí quyển và khả năng cao nhất là bất kỳ mảnh vỡ nào còn sót lại sẽ rơi xuống biển“, Richard Crowther, kỹ sư trưởng của Cơ quan Vũ trụ Anh, cho biết.
Phóng vào năm 2011 và từng đón 6 phi hành gia ghé thăm, trạm Thiên Cung 1 dài 10 m và nặng 8,5 tấn được lên kế hoạch để rời khỏi quỹ đạo một cách có kiểm soát. Thông thường, động cơ đẩy được kích hoạt ở những phương tiện lớn để điều khiển chúng rơi xuống khu vực xa xôi ở Nam Đại Dương. Nhưng cách này không thể áp dụng với trạm Thiên Cung 1 sau khi Trung Quốc mất kết nối để truyền lệnh điều khiển đến trạm vào năm 2016.
Trạm Thiên Cung 1 đang lướt qua tầng trên cùng của bầu khí quyển. Lực cản từ tầng này đang khiến độ cao của trạm giảm nhanh chóng. 13 cơ quan vũ trụ, đứng đầu là Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đang sử dụng radar và các đài quan sát quang học để theo dõi và lập mô hình đường bay của trạm trên phạm vi toàn cầu.
Liên minh các cơ quan vũ trụ mang tên Hội đồng Phối hợp Theo dõi Mảnh vỡ Vũ trụ Liên cơ quan (IADC) đưa ra cập nhật thường xuyên về quá trình rơi. Riêng ESA cập nhật dự đoán gần nhất vào hôm qua, thông báo thời gian rơi trở lại là 4 tiếng quanh 8h07 sáng nay. Các chuyên gia chắc chắn mảnh vỡ của trạm sẽ không rơi ngoài phạm vi 43 độ vĩ bắc và 43 độ vĩ nam.