Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Người Việt 4 phương

Thụy Điển tuyên bố trục xuất 80.000 người di cư

Ngày 28-1, chính quyền Thụy Điển tuyên bố sẽ trục xuất 80.000 người di cư đã đến nước này trong năm 2015.

Người tị nạn ngủ trong lều ở biên giới Hi Lap - Macedonia - Ảnh: Reuters

Người tị nạn ngủ trong lều ở biên giới Hi Lap - Macedonia - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Bộ trưởng Nội vụ Anders Ygeman xác nhận chính quyền đã bác đơn xin quy chế tị nạn của 80.000 người này và đã yêu cầu cảnh sát cũng như các cơ quan có liên quan tổ chức quy trình trục xuất họ ra khỏi Thụy Điển.

Ông Ygeman cho biết nhà chức trách sẽ đưa người di cư ra khỏi Thụy Điển bằng các chuyến bay liên danh đặc biệt. Quá trình này có thể kéo dài cả năm do số lượng người di cư bị trục xuất quá lớn.

Thụy Điển là một trong những quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận số lượng người di cư và tị nạn lớn nhất trong năm 2015, nước này đón hơn 160.000 người tị nạn. Tuy nhiên số lượng người đổ vào Thụy Điển đã giảm đi đáng kể sau khi chính phủ siết chặt kiểm tra danh tính ở biên giới từ ngày 1/4.

Các quan chức Thụy Điển cũng kêu gọi tăng cường an ninh ở các trại tị nạn đông nghẹt người tại nước này sau vụ một nhân viên trại tị nạn ở Molndal bị đâm chết. Kẻ tấn công là một thanh niên trẻ sống trong trại tị nạn này.

Hiện tại châu Âu vẫn đang chật vật với cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn. Từ đầu năm 2016 đến nay đã có hơn 46.000 người từ Trung Đông và châu Phi vượt biển tới Hi Lạp. Hơn 170 người đã thiệt mạng trên đường đi.

Hôm qua Ủy ban châu Âu (EC) chỉ trích Hi Lạp không đảm bảo được an ninh biên giới và cho nước này thời hạn ba tháng để giải quyết vấn đề. Các nước Đông Âu đe dọa sẽ đóng cửa biên giới nếu dòng người tị nạn tiếp tục tự do đi vào Hi Lạp.

Phản ứng lại, chính quyền Hi Lạp cáo buộc các nước khu vực lẩn tránh trách nhiệm thay vì hợp tác để xử lý cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Cơ quan biên giới EU Frontex cũng thừa nhận việc đóng cửa biển Aegean để chặn dòng người di cư và tị nạn vào Hi Lạp là nhiệm vụ bất khả thi.

Trong khi đó, tại Đan Mạch chính quyền thông qua luật tịch thu tài sản của người di cư và tị nạn với hi vọng chặn dòng người đổ vào nước này. Nhiều người so sánh quyết định của chính quyền Đan Mạch với việc Đức Quốc xã tịch thu tài sản, tiền bạc của người Do Thái trước khi hành quyết họ trong Thế chiến II. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất