Những gì đang diễn ra ở Thụy Điển những ngày qua khác hẳn so với các nước Bắc Âu khác.
Tính đến 17-4, Thụy Điển ghi nhận 1.333 ca tử vong do virus corona (phần lớn từ 70 tuổi trở lên), còn con số này ở Đan Mạch là 321, ở Na Uy là 152, Phần Lan là 75. Số ca tử vong ở Thụy Điển cao gấp hơn 7 lần số ca tử vong trung bình của 3 nước còn lại.
Số ca nhiễm của Thụy Điển cho đến nay là 12.540 ca, có phải nước này đang trả giá với cách chống dịch hiện tại?
Hàng quán, trường học vẫn mở cửa
Khi dịch bắt đầu lây lan nhanh, Đan Mạch và Na Uy đã nhanh chóng đóng biên giới và đóng cửa trường học, trong khi Phần Lan đóng cửa hầu hết trường học và cách ly vùng đô thị chính của nước này.
Ba nước này nằm trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng biện pháp phong tỏa, trong đó Đan Mạch là nước thứ hai ở châu Âu công bố các biện pháp hạn chế vào ngày 11-3.
Còn về cách làm của Thụy Điển, nhà báo Đan Mạch Lisbeth Davidsen bình luận trên kênh truyền hình TV4 của Thụy Điển: “Giống như đang xem một bộ phim kinh dị”.
Cách làm của Thụy Điển được xem là một cách làm có cân nhắc, mang sự “pha trộn”. Chẳng hạn các cuộc tụ tập hơn 50 người bị cấm, nhưng các bữa tiệc riêng tư, các sự kiện liên quan tới doanh nghiệp… vẫn có thể tổ chức ở Thụy Điển.
Hồ bơi, thư viện, nhà hàng, quán cà phê… vẫn mở cửa. Học sinh mẫu giáo và tiểu học vẫn đến lớp học những ngày qua, trong khi đóng các trường dành cho người học trên 16 tuổi. Chính phủ khuyên người dân thực hiện giãn cách xã hội và khuyên người già ở lại trong nhà. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn cuộc sống tại nơi đây vẫn như ngày thường.
“Tôi cảm nhận như thể mình đang trên một hành tinh khác đang gọi về Trái đất. Tôi nói đùa với mẹ mình rằng nếu bà muốn đi làm tóc hay làm móng thì hãy đến Stockholm. Thời gian sẽ trả lời nhưng vào lúc này, “hành tinh” Thụy Điển đang đi theo con đường của họ” - nhà tâm lý trị liệu người Canada Mitchell Smolkin có mặt tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển chia sẻ.
Chính phủ Thụy Điển khuyên người dân làm việc tại nhà khi có thể và tránh những nơi đông đúc như quán rượu, nhà hàng… Họ không áp dụng các biện pháp hạn chế bắt buộc chính thức, không muốn phạt tiền người dân khi họ rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng. Nói tóm lại, chính phủ nước này thúc giục người dân “hành xử như những người trưởng thành”, theo trang Euronews.
Đúng hay sai?
Hiện có các ý kiến trái chiều liên quan tới biện pháp của Thụy Điển. Kênh truyền hình 9News của Úc cho rằng “Thụy Điển đang trả giá vì từ chối áp đặt lệnh phong tỏa”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nhấn mạnh: “Chúng tôi không tin vào lệnh phong tỏa nếu đó không phải là biện pháp bền vững qua thời gian. Chúng tôi không tin rằng chúng tôi có thể giam chặt mọi người trong nhà trong vài tháng và có tỉ lệ người tuân thủ cao. Thật hoang đường khi nói “mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”. Ngược lại, mọi chuyện sẽ không đâu vào đấy!”.
Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu của Cơ quan Y tế công Thụy Điển, cũng bảo vệ quyết định của nước này, cho rằng phương pháp của Stockholm là một cách đối phó với dịch COVID-19 bền vững hơn.
Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay chính là số ca nhiễm tăng nhanh bên trong các nhà dưỡng lão và điều này đang gây nhiều áp lực lên nhà chức trách Thụy Điển. Nhà dịch tễ học Anders Tegnell tuần này nhận thấy tuổi trung bình của các ca tử vong tại Thụy Điển cao hơn rõ rệt so với Na Uy.
Tuy nhiên, ông Anders Tegnell làm rõ: “Đây không phải là thất bại đối với chiến lược chung, mà chỉ là thất bại trong việc bảo vệ người già sống trong các viện dưỡng lão”.
Cả Phó thủ tướng Thụy Điển Isabella Lovin và Ngoại trưởng Ann Linde đều nhấn mạnh rằng Thụy Điển đang đi theo truyền thống “hơn 100 năm của họ”: Nghe theo lời khuyên của giới chuyên gia uy tín khi đưa ra quyết định. Chẳng hạn Cơ quan Y tế công của Thụy Điển đã khuyên mở các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Trong bài viết đăng ngày 17-4 trên trang Free Malaysia Today, cây bút Kathirgugan Kathirasen cho rằng chiến lược “gây tranh cãi và đi ngược xu thế” của Thụy Điển là hợp lý. ”
Logic của Thụy Điển đơn giản là: dù muốn hay không, virus vẫn đe dọa chúng ta và đang lây lan như cháy rừng. Đóng cửa mọi thứ và cố gắng dập tắt nó trong một lúc sẽ không hiệu quả vì dữ liệu cho thấy virus sẽ lại sinh sôi nảy nở khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ” - Kathirgugan Kathirasen giải thích.
Không rõ cuối cùng Thụy Điển sẽ áp lệnh phong tỏa như nhiều nước châu Âu hay không. Nhưng trước mắt dường như nước này đang “tùy tình hình mà quyết”, giống như cách Phó thủ tướng Isabella Lovin nói rằng Thụy Điển muốn “thực hiện những quyết định đúng đắn vào đúng thời điểm”.
Miễn dịch cộng đồng: con đường dài
Theo báo Guardian, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen mới đây đã lấy làm tiếc khi các chuyên gia cảnh báo miễn dịch cộng đồng vẫn còn là “một quãng đường dài” ở châu Âu.
Các chuyên gia cảnh báo hiện bằng chứng ban đầu cho thấy ít nước châu Âu nào có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh một số nước bắt đầu dần dỡ bỏ biện pháp phong tỏa.