Tối qua 5/8, chuyến bay chở lô thuốc kháng virus Covid-19 Remdesivir (50.000 lọ) do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép của Gilead Sciences, Mỹ đã hạ cánh tại Tân Sơn Nhất. Đây là 50.000 lọ thuốc Remdesivir đầu tiên trong số 500.000 lọ do Vingroup nhập khẩu tặng Bộ Y tế. Dự kiến, tuần sau, khoảng 100.000 lọ nữa về và chuyển cho Bộ Y tế phục vụ khẩn cấp điều trị bệnh nhân nặng. Số lượng còn lại sẽ lần lượt về trong tháng 8.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng Hội đồng chuyên môn ngày 6/8 sẽ tiến hành họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Remdesivir được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ tháng 10/2020. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir được 50 quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị.
Thuốc kháng virus Remdesivir hiệu quả thế nào trong điều trị Covid-19?
Remdesivir được phát triển để chống lại bệnh Ebola vào năm 2014. Khi thử nghiệm với MERS, một căn bệnh do chủng virus corona khác gây nên, loại thuốc này có thể ngăn virus nhân bản.
Remdesivir hoạt động bằng cách làm gián đoạn quá trình sản xuất virus. Corona virus có bộ gen được tạo thành từ axit ribonucleic (RNA). Remdesivir cản trở một trong những enzym quan trọng mà virus cần để sao chép RNA. Điều này ngăn không cho virus sinh sôi.
Ngày 1/5/2020, FDA đã đặt hàng Remdesivir để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, phải nhập viện.
Vào tháng 8/2020, chính sách Ủy Quyền Sử Dụng Khẩn Cấp (EUA) cho phép sử dụng thuốc với tất cả bệnh nhân nhập viện, bao gồm cả trẻ em. Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 được công bố vào tháng 10/2020 trên Tạp chí Y học New England cho thấy Remdesivir đã rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân khoảng 5 ngày. Người dùng Remdesivir cũng có nguy cơ tử vong thấp hơn so với các đối tượng dùng những loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt khác.
Khi được tiêm vào tĩnh mạch trong 10 ngày liên tiếp, Remdesivir giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi của các bệnh nhân Covid-19. Remdesivir cũng cải thiện tỷ lệ tử vong ở những người được bổ sung oxy (4% khi dùng Remdesivir so với 13% với giả dược vào ngày thứ 29 của quá trình điều trị).
Nghiên cứu cũng cho thấy điều trị bằng thuốc Remdesivir có thể ngăn bệnh nhân tiến triển thành bệnh hô hấp nặng hơn. Những người được điều trị bằng Remdesivir ít cần hỗ trợ hô hấp hơn. Remdesivir dường như đem lại nhiều hiêu quả nhất cho những bệnh nhân đang cần bổ sung oxy.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ John Beigel thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy Remdesivir là một phương pháp điều trị có lợi cho những bệnh nhân mắc Covid-19. Nó cũng giúp giảm phụ thuộc các nguồn lực chăm sóc sức khỏe khan hiếm, chẳng hạn như máy thở, trong đại dịch này".
Giữa tháng 9/2020, công ty dược phẩm Mỹ Eli Lilly tuyên bố khi thêm thuốc chống viêm Baricitinib vào Remdesivir, thời gian nằm viện của bệnh nhân sẽ rút ngắn 1 ngày. Giứa tháng 11/2020, FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho liệu pháp kết hợp Baricitinib - Remdesivir đối với các bệnh nhân cần bổ sung oxy.
Tại châu Âu, tháng 7/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh Covid-19.