Video: Thú cưng có thể lây nhiễm và lan truyền COVID-19 không?
Tuy nhiên, có vẻ quá vội vàng khi kết luận mèo cưng của bạn có thể bị lây nhiễm hoặc thậm chí lan truyền virus chỉ qua thông tin trên, trích lời Karen Terio, người điều hành Chương trình Bệnh lý Động vật học tại Khoa Thú y thuộc Đại học Illinois (Mỹ), một trong số những người kiểm tra cho con hổ mắc bệnh.
“Hổ không giống như mèo nhà, chúng vốn dĩ là hai loài khác nhau, chỉ cùng họ”, cô nói. “Cho đến nay, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể truyền từ thú cưng sang chủ. Ngược lại, khả năng vật nuôi bị lây virus từ chính chủ nhân của mình lại lớn hơn nhiều”.
Thế nhưng, những người đang nuôi thú cưng cũng không cần lo lắng, bởi nguy cơ nhiễm virus của chúng rất thấp. Hiện nay, toàn thế giới chỉ mới ghi nhận 4 trường hợp thú cưng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, bao gồm 2 chú cún và 2 chú mèo, theo số liệu của Hiệp hội Y khoa Thú y Hoa Kỳ (AVMA).
Ca nhiễm virus đầu tiên trên vật nuôi xuất hiện vào cuối tháng 2, đối tượng là chó cưng của một bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hong Kong. Sở Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã kết luận đây là trường hợp lây truyền virus từ người sang động vật, cụ thể là từ chủ nhân sang cún.
Thú cưng có thể lây virus sang người không?
Theo William Sander, Phó giáo sư phân ngành Y học dự phòng và Y tế công cộng tại Khoa Thú y thuộc Đại học Illinois, hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy việc này có nguy cơ xảy ra. Đó cũng là lý do vì sao giới chức Mỹ không chú trọng việc kiểm dịch cho thú cưng. Ngay tại đất nước có số ca nhiễm COVID-19 khủng khiếp như Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia (CDC) cũng không ghi nhận được bất cứ trường hợp thú cưng nào bị lây virus.
Điều đó cũng có nghĩa là động vật, kể cả thú cưng, không được xem là nguồn lây lan virus SARS-CoV-2, trích tuyên bố của Hiệp hội Thú y Mỹ (AVMA). Tính đến thời điểm này, COVID-19 chỉ lây truyền qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh, chẳng hạn như nước bọt và chất nhầy khi ho hoặc hắt hơi.
Tuy nhiên, Teiro nhấn mạnh rằng diễn biến bệnh trên cơ thể động vật vẫn còn nhiều bí ẩn. Nếu thú cưng chẳng may nhiễm virus, chúng ta không thể biết liệu chúng có phát triển những triệu chứng đặc trưng của COVID-19 như con người hay không. Con hổ ở Sở thú Bronx (New York, Mỹ) đã có dấu hiệu suy hô hấp, nhưng chúng ta vẫn chưa thể nắm rõ biểu hiện khi nhiễm bệnh của các loài động vật khác nhau.
Chúng ta không xác định được một loài động vật nào đó có thể mang mầm bệnh trong người mà không có triệu chứng gì không, cũng như chúng đang trải qua giai đoạn bệnh tình diễn biến nhẹ hay nặng. “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu sâu hơn về việc này”, Teiro nói. “Thật không may, vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp tại thời điểm này. Chúng tôi rất tiếc vì không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng, khiến mọi người lo lắng”.
Để đảm bảo an toàn, CDC và AVMA vẫn đề nghị người bệnh nên tránh tiếp xúc với thú cưng. “Cũng như khi tự cách ly khỏi người khác vậy, hãy nhờ ai đó chăm thú cưng thay bạn để tránh mọi nguy cơ có thể xảy ra”, Sander nói. Nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh nhưng phải lo cho vật nuôi, CDC khuyên bạn không nên rúc hoặc chạm vào người thú cưng, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi cho chúng ăn.
Vài nghiên cứu sơ bộ được chia sẻ trên các trang web công cộng vào tuần trước cho thấy một số nhóm vật nuôi có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 trong môi trường phòng thí nghiệm. Kết luận này gợi nhớ đến dịch bệnh SARS năm 2003 do một chủng khác của virus corona gây nên. Tại thời điểm đó, mèo và chồn là 2 loài động vật được xác nhận có khả năng nhiễm virus trong môi trường phòng thí nghiệm. Song, có rất ít lý do để lo ngại rằng virus có thể lây lan sang cơ thể người và động vật khác trong môi trường tự nhiên. Dựa trên tiền lệ đó, các nhà khoa học tin rằng SARS-CoV-2 cũng giống như virus gây dịch SARS trước kia, không có khả năng truyền từ vật nuôi sang người.
Virus có thể tồn tại trên lông động vật?
Dù virus có thể sống trên nhiều bề mặt khác nhau trong vài giờ hoặc vài ngày, song Sander và AVMA đều cho biết chúng không thể tồn tại trên lông thú cưng, trong khi Teiro chưa thể cam đoan kết luận này có độ chính xác 100%. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England, SARS-CoV-2 có thể sống trên nhựa trong 72 giờ, trên thép không gỉ trong 48 giờ, trên bìa cứng trong 24 giờ và trên đồng trong 4 giờ.
Lông thú cưng không nằm trong danh sách bề mặt được thử nghiệm, nhưng theo nhận định từ AVMA, con đường lây truyền virus bằng cách chạm vào bề mặt hoặc vật thể bị ô nhiễm rồi đưa lên mũi, miệng hoặc mắt chỉ là thứ cấp. Ngoài ra, các bề mặt nhẵn như mặt bàn và tay nắm cửa có khả năng lây truyền virus mạnh hơn chất liệu xốp, xơ như lông thú cưng, do đó khả năng chủ nhân bị nhiễm bệnh vì chơi với vật nuôi là rất thấp. Trái lại, thú cưng mới là đối tượng có nguy cơ tiếp nhận virus gây COVID-19 từ con người.
“Trong thời gian tự cách ly xã hội, có thú cưng bên cạnh sẽ giúp tâm hồn cô đơn của chúng ta được sưởi ấm, khiến tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng”, Sander nói. “Nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm bệnh, hãy trân trọng quãng thời gian quý giá được chơi đùa cùng chúng”. Tuy nhiên, cẩn tắc vô áy náy, hãy chú ý giữ gìn vệ sinh cho cả bản thân lẫn thú cưng để an toàn vượt qua mùa đại dịch.