Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một bức thư của nữ sinh học lớp 12 viết gửi bố để bảo vệ mẹ. Bức thư này đã nhanh chóng thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận nước này.
Cô Vương, bạn thân của mẹ cô bé đồng thời là người đăng tải bức thư này lên mạng xã hội cho biết, ngay từ khi chưa kết hôn bạn cô đã không được lòng mẹ chồng. Tuy nhiên, do chồng cô nhất quyết muốn lấy cô về làm vợ bằng được nên mẹ chồng đành thuận theo.
Một lần, mẹ của cô bé đã mất rất nhiều thời gian để làm cơm cúng, sau đó cô có mời bố mẹ đẻ sang ăn cùng. Tuy nhiên, mẹ chồng đã rất tức giận và mắng xối xả vào mặt con dâu bởi từ trước tới nay, bà ta luôn coi khinh gia đình thông gia. Cũng chính từ lần đó, cô cũng không gọi mẹ chồng là mẹ nữa.
Cách đây không lâu, mẹ chồng nàng dâu lại vô tình gặp nhau ở tiệm cắt tóc và hai người cũng chẳng chào hỏi nhau một câu nào. Ấm ức, mẹ chồng nói lại chuyện này cho chồng con mình và nói rằng con dâu như vậy là không hiếu thảo, không tôn trọng mẹ chồng. Không chỉ vậy, bà còn cho rằng mình bị con dâu nói xấu, bêu riếu sau lưng. Vì vậy, cô con dâu tội nghiệp bị cả chồng và bố chồng mắng té tát vào mặt.
Quá bất bình về hành động của ông bà nội và bố, cô con gái đành viết thư gửi bố, mong bố suy xét lại cách cư xử. Trong thư, cô bé nhấn mạnh: “Bố nên nhớ rằng hơn nửa cuộc đời phía trước của bố là sống với mẹ con chứ không phải là ông bà nội“.
Dưới đây là nguyên văn của bức thư con gái gửi bố:
“Bố,
Hình như trước đây con chưa từng viết thư cho bố, không ngờ lần đầu tiên con viết lại là vì chuyện này. Chuyện xảy ra ngày hôm qua, mặc dù bà nói “Đừng nói nữa” nhưng bà vẫn luôn nhớ đấy. Mẹ luôn nhớ rất rõ ràng vậy không lý nào bố và ông bà nội lại không nhớ cơ chứ?
Bố có nhớ hôm qua, bố và ông nội đã làm gì không? Hai người đàn ông trưởng thành đứng trước mặt mẹ con và mắng mẹ xối xả. Bố sẽ còn làm điều gì nữa nếu như ngày hôm qua con không ở nhà? Bố và ông nói rằng không hề mắng chửi mẹ nhưng con lại thấy mặt bố và ông rất khó chịu, lời lẽ cũng chẳng dễ nghe gì. Nếu bố nghĩ rằng đó không phải mắng chửi thì như thế nào mới được coi là một lời trách mắng? Từng câu đều chứa đầy những từ thô tục.
Nếu hôm qua con không ở nhà và không đứng ra bảo vệ mẹ thì có lẽ mẹ lại khóc lóc rồi đi xin lỗi bà nội và rồi bố sẽ cảm thấy vừa giúp được mẹ hiểu ra lý lẽ đúng không?
Chỉ vì bà nghe thấy một câu nói không rõ từ đâu trong khi đó mẹ lại không chịu nhún nhường, không thừa nhận nên bố bênh bà đúng không? Bà là mẹ của bố, nhưng bố cũng phải hiểu rằng vợ bố là mẹ của con nên con cũng sẽ bảo vệ mẹ theo cách mà bố bênh bà vậy.
Con đã từng nói với bố rằng nếu ai nói xấu bố, đặt điều về bố thì con sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ, nhún nhường vì bố là bố của con, là một trong những người quan trọng nhất đời con. Mẹ con mất mẹ từ sớm, ông ngoại phải đảm nhận cả hai vị trí vừa là bố vừa là mẹ, vì vậy bố nên hiểu vị trí của ông ngoại trong tim mẹ quan trọng như thế nào.
Hôm qua bố hỏi con: “Chẳng nhẽ thầy giáo vô cớ mắng con, con sẽ không gọi người đó là thầy nữa à?”. Đúng vậy, con sẽ không gọi đó là thầy nữa. Tuy nhiên, điều con quyết định không gọi thầy nữa là vì cho dù con có giải thích, ông ấy vẫn luôn cho mình đúng. Chuyện đúng hay sai không phân biệt tuổi tác, nếu chỉ vì người đó là giáo viên, là người lớn tuổi mà mình phải nhẫn nhịn, bỏ qua há chẳng phải mình đang tự hạ thấp phẩm giá của bản thân sao?
Đừng phóng đại quá mức nhân cách của giáo viên và người lớn tuổi. Mọi người đều là con người. Không có tiêu chí gì để đánh giá phẩm chất của một người cả. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ vì hai chữ thể diện mà thôi. Bố nghĩ rằng bà là bề trên, không cần nhận sai vì sẽ rất mất mặt. Nhưng còn mẹ thì sao? Đối với ông bà ngoại, mẹ cũng là người mà họ rất thương yêu, trân quý, chẳng nhẽ mẹ không cần thể diện hay sao? Bố và ông nội, hai người đàn ông chửi mẹ xối xả vào mặt, như thế sẽ khiến mẹ tổn thương lòng tự trọng hơn là cái thể diện ấy đấy.
Vấn đề giữa mẹ chồng và nàng dâu không đến lượt con nói và cũng không phải chỉ nhà mình gặp phải trường hợp này. Trên mạng còn đầy rẫy nhiều trường hợp còn tệ hơn nhà mình và rơi vào cảnh bế tắc. Tuy nhiên, chìa khóa để mở khúc mắc này chính là thái độ của người làm chồng. Cách tốt nhất là bố hãy chỉ ra cái sai của bà, cái đúng của mẹ và làm điều ngược lại với mẹ.
Tuy nhiên, rõ ràng là bố không làm thế, bố chỉ nghe từ một phía. Con đã rất sợ hãi và thất vọng. Con sợ rằng sau khi con kết hôn, chồng con cũng như vậy thì con sẽ phải làm như thế nào? Con thật sự rất thất vọng. Bố trong suy nghĩ của con không phải như vậy. Cách cư xử của bố sẽ khiến mẹ cảm thấy mẹ luôn là người lạ trong ngôi nhà này. Còn gì tồi tệ hơn khi mỗi lần thức giấc lại nhận thấy không có ai là người thân, máu mủ ruột rà xung quanh. Con không biết nếu sau này con cũng gặp phải trường hợp như vậy, bố sẽ nghĩ như thế nào?
Bố hãy nghĩ đi, bố vẫn còn hơn một nửa cuộc đời phía trước, nhưng phần lớn trong khoảng thời gian này, người bên cạnh bố là mẹ chứ không phải ông bà nội.
Mẹ là người như thế nào, bố và con đều rõ. Bà nội là người như thế nào, bố là người hiểu rõ hơn ai hết. Bố biết rất rõ nhưng bố không chịu thừa nhận cũng không nói ra. Tại sao bố không bênh mẹ dù chỉ một chút?
Vì vậy, lần này bằng bất cứ giá nào con cũng sẽ giúp mẹ. Con viết nhiều như thế cũng chỉ mong bố hãy suy nghĩ về chuyện này. Trước đây con chẳng có dũng khí để nói ra những lời này nhưng giờ đây chút ít suy nghĩ tốt đẹp về bà trong tâm trí con cũng đã biến mất. Con xin lỗi vì có nhiều lời lẽ thiếu sự tôn trọng, vô lễ nhưng con không muốn vì bà nội mà gia đình mình ngày càng xa nhau”.