Tháp nghiêng Pisa, công trình kiến trúc cao 57 m ở Italy, đã bớt nghiêng khoảng 4 cm sau 17 năm, CNN hôm qua đưa tin. Đây là kết quả của quá trình gia cố nhằm giúp tòa tháp không bị đổ. Cuối năm 2001, sau gần một thập kỷ tu sửa, tòa tháp bắt đầu mở cửa lại cho khách tham quan.
Điều này nghĩa là Pisa đã trở lại độ nghiêng tương đương đầu thế kỷ 19, theo giáo sư Salvatore Settis, người đứng đầu nhóm giám sát tòa tháp. “Việc mức nghiêng giảm sẽ không kéo dài vĩnh viễn nhưng vẫn rất có ý nghĩa. Giờ chúng ta đã có lý do để hy vọng tòa tháp tiếp tục tồn tại ít nhất 200 năm nữa”, Settis cho biết.
Tòa tháp được gia cố khi đang nghiêng khoảng 6 độ, hay 4 mét, về phía nam so với trục thẳng đứng. Các chuyên gia đã chuyển bớt đất ở phía đối diện để giúp nó thẳng lại. “Về mặt kỹ thuật, đây là một công việc rất phức tạp nhưng ý tưởng thì khá dễ hiểu. Tòa tháp nghiêng về phía nam nên một phần đất ở phía bắc, chủ yếu gồm cát và đất sét, được chuyển đi, tạo ra lỗ hổng cho tòa tháp lún xuống”, Settis giải thích.
Pisa bắt đầu nghiêng gần như ngay khi khởi công xây dựng năm 1173 do phần đất nền đầy cát. Từ đó đến nay, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều biện pháp để giúp tòa tháp đứng vững.
Kết quả đo đạc mới nhất cho thấy nó đang trong tình trạng tốt, theo Gianluca De Felice, giám đốc viện Opera della Primaziale Pisana. Tòa tháp vẫn đang được theo dõi liên tục. Ba tháng một lần, hội đồng giám sát sẽ họp để kiểm tra dữ liệu về tòa tháp.