Tiết Hoài Nghĩa, tên khai sinh là Phùng Tiểu Bảo, sống dưới thời nhà Đường. Ông từng được cho là có khoảng thời gian bán thuốc trên đường phố Thiểm Tây ngày nay, trước khi trốn sang Lạc Dương, trở thành một chú tiểu tại chùa Cảm Nghiệp.
Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Chiếu (tức Võ Tắc Thiên) xuống tóc đi tu tại ngôi chùa này rồi đem lòng yêu Phùng Tiểu Bảo khi bà mới vừa tròn 14 tuổi, ngay trong lần đầu gặp gỡ tại giếng nước.
Khi thái tử Lý Trị lên ngôi hoàng đế, Võ Tắc Thiên, lúc ấy là Võ Mỵ Nương được hoàn tục, tiến cung, khiến Phùng Tiểu Bảo đau khổ và thường lén tìm đến người tình để thỏa niềm mong nhớ. Một thời gian sau, khi lên ngôi hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã yêu cầu Phùng Tiểu Bảo hoàn tục, rồi đưa vào cung, đổi tên thành Tiết Hoài Nghĩa.
Cũng có những ghi chép rằng, Phùng Tiểu Bảo khi bán hàng rong trên phố đã tình cờ gặp Thái Bình công chúa. Thấy được vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của ông, nàng liền giới thiệu cho Võ Tắc Thiên. Bà liền để Phùng Tiểu Bảo xuất gia để dễ dàng ra vào cung. Sau đó, khi đã lên ngôi, vì muốn người tình có một thân phận cao quý, nên đề nghị con rể Tiết Thiệu nhận Phùng Tiểu Bảo làm chú và đổi tên thành Tiết Hoài Nghĩa.
Sau khi chính thức vào cung, Tiết Hoài Nghĩa được Võ Tắc Thiên hết mực sủng ái. Họ được cho là ngày đêm quấn quýt bên nhau. Bên cạnh đó, nhờ trí thông minh, Tiết Hoài Nghĩa nhanh chóng trở thành thiếu tướng. Cũng từ đây, Tiết Hoài Nghĩa trở nên hống hách, lộng quyền.
Không chịu an phận làm người tình của vua, khi “chán cơm thèm phở”, Tiết Hoài Nghĩa dùng tài ăn nói của mình tán tỉnh Thái Bình công chúa. Trên đời không có điều gì là bí mật, biết chuyện, Võ Tắc Thiên nổi cơn thịnh nộ, bà chuyển từ yêu sang hận, quyết tâm trả thù người đàn ông phụ bạc.
Cũng có sử liệu lại ghi, vào thời điểm đó, Võ hậu đã yêu một người khác, khiến Tiết Hoài Nghĩa ghen tị. Ông bí mật ra tay đốt một cung điện. Sau đó Võ Tắc Thiên vẫn hạ lệnh cho ông phụ trách việc tái xây dựng nó. Dù vậy, sau sự việc này, Võ hậu hoàn toàn khinh miệt Tiết Hoài Nghĩa.
Cuối cùng, vào ngày 25/12/694, Võ Tắc Thiên ra lệnh cho một nhóm người phục kích trên đường trên Tiết Hoài Nghĩa đến Dao Quang Điện, sát hại ngay tại chỗ. Thi thể của Tiết Hoài Nghĩa sau đó được đưa đến Chùa Bạch Mã rồi hỏa táng. Đám tro tàn bị trộn lẫn vào bùn để làm “nguyên liệu” xây dựng chùa.