Công chúa nhà Thanh, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, được gọi là Cách cách. Khi còn là thiếu nữ sống trong cung, các Cách cách được coi là cành vàng lá ngọc, ăn ngon mặc đẹp và nuông chiều hết mực. Thế nhưng, ít ai biết rằng chính danh phận Cách cách đó khiến họ trở thành những quân cờ trong các cuộc hôn nhân chính trị.
Theo ghi nhận, hầu hết Cách cách nhà Thanh đều kết hôn với các hoàng tử Mông Cổ và ngược lại. Để “được phép” xuất giá, cách cách phải theo học các nghi lễ từ nhỏ, bất kể ngày cũng như đêm. Có những quy định, nếu như không học đến nơi đến chốn, họ sẽ không được ngủ yên giấc.
Ngay cả cuộc sống sau hôn nhân của họ cũng không được viên mãn. Họ luôn phải sống trong sự cô đơn. Rất nhiều người khi có cơ hội quay về quê hương đã than khóc, van nài Hoàng đế cho họ được thoát khỏi nơi địa ngục đó. Thế nhưng vì mối giao hòa giữa các dân tộc, các Cách cách vẫn phải tiếp tục sự nghiệp “làm dâu xứ người”. Sống trong nỗi ấm ức, phiền muộn, nên tuổi thọ của họ cũng không quá cao. Bên cạnh đó, các Cách cách nhà Thanh phần lớn đều không có con.
Sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, các Cách cách giống như những chú chim được thoát khỏi lồng, tự do tung cánh. Họ không còn phải tuân theo những quy tắc chuẩn mực khắt khe, đã có nhiều cách cách kết hôn với cả thường dân. Một số người khác thay tên đổi họ, trở về chốn thôn quê, sống cuộc sống như người nông dân lao động.
Một ví dụ đó là Ái Tân Giác La Hiển Kỳ còn có tên là Kim Mặc Ngọc, vị cháu gái của hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi.
Trước đây, báo chí Trung Quốc từng nói về lịch sinh hoạt của bà khi ở độ tuổi 89. Bà vẫn giữ được thói quen sinh hoạt thời trẻ, 6-7 giờ sáng mới đi ngủ, 2-3 giờ chiều mới dậy. Vào buổi tối, bà đánh tennis, chơi bóng chuyền, hay golf.
Mọi người luôn bắt gặp bà cười nói vô tư như một đứa trẻ. Giới truyền thông cho rằng thật khó có thể tin rằng một người trải qua bao thăng trầm cuộc đời lại có thể giữ được nụ cười trẻ thơ.
Vị Cách cách này thường được nhắc đến vì đã cùng chồng đem toàn bộ số tiền gom góp để mua bàn ghế và sách vở, mở một lớp học tiếng Nhật. Sau đó, lớp học kia biến thành ngôi trường khang trang nhờ sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, bạn bè và người thân.
Cũng có một số trường hợp trái ngược, điển hình là Vương Mẫn Đồng, một trong những vị Cách cách cuối cùng của triều đại nhà Thanh, người có nhan sắc tiêu biểu, xinh đẹp, nhưng do phải chứng kiến sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh cộng với việc bị phụ tình nên nàng đã lụi tàn ở tuổi xế chiều. Vào những năm tháng cuối đời bà sống trong sự quan tâm, giúp đỡ của hàng xóm rồi qua đời trong sự cô đơn, bệnh tật.
Có thể nói, khi lịch sử Trung Quốc chuyển mình, tình trạng của các nàng Cách cách đã được sống như những con người thực sự, họ cố gắng điều chỉnh để thích ứng với thời đại mới.