Để tuyên chiến với tệ nạn say rượu lái xe, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon đã yêu cầu khởi tố những người say rượu lái xe gây tai nạn chết người trong dịp tết Songkran tội “cố ý giết người”.
Tranh cãi
Đầu tháng 4, trước thềm lễ hội, cuộc họp về giảm thiểu các trường hợp tử vong có thể phòng tránh được do Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon chủ trì, đã quyết định ủy quyền cho cảnh sát Thái Lan khởi tố những người say rượu lái xe tội cố ý giết người.
Đây là hành động pháp lý nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với việc say rượu lái xe.
Nỗ lực này được những người ủng hộ hoan nghênh vì nó có hiệu quả thay đổi hành vi đáng kể và cứu được nhiều mạng sống nhưng lực lượng chấp pháp vẫn băn khoăn trong việc thực hiện.
Theo báo Bangkok Post, người đầu tiên bị khởi tố với tội danh giết người và cố ý giết người này là Somchai Werotepipat, chủ doanh nghiệp Thai Carbon & Graphite Co.
Ông Werotepipat gây tai nạn làm chết hai vợ chồng và khiến con gái 12 tuổi của họ bị xuất huyết não.
Chỉ số nồng độ rượu trong máu của ông này được đo sau vụ tai nạn là 260mg/dL, vượt mức độ cho phép 50mg/dL.
Cảnh sát đã khởi tố Werotepipat tội giết người và cố ý giết người theo quy định mới.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng ngay lập tức phát sinh tranh cãi. Phiên tòa ngày 13-4 tại quận Taling Chan đã bác bỏ cả hai tội danh trên.
Trả lời báo Bangkok Post, phó trưởng cảnh sát quốc gia Wirachai Songmetta - người phụ trách vụ án - cho biết cảnh sát sẽ không thay đổi các tội danh theo đề nghị của tòa và có đủ bằng chứng chống lại Werotepipat.
Áp dụng thế nào?
Bangkok Post đã hỏi các bên liên quan khác và nhận thấy nhiều điều tra viên cấp cao không đồng ý với chính sách này.
Họ lo ngại nếu cố vận dụng biện pháp mạnh, hồ sơ có thể bị tòa án trả lại, làm kéo dài thời gian tố tụng.
Một cán bộ cấp cao tại Cục Phòng ngừa tội phạm (đề nghị không nêu tên) cho biết tội cố ý giết người phải bao gồm các yếu tố như có ý định, có kế hoạch được tính toán trước, trong khi say rượu lái xe gây tai nạn chết người thuộc về hành vi bất cẩn.
Người dân cũng thảo luận sôi nổi về vụ tai nạn và vấn đề pháp lý đi kèm của nó. Trao đổi với Tuổi Trẻ, những người Thái có ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Anh Tanasak Phosrikun, giảng viên khoa khoa học xã hội và nhân văn Đại học Udon Thani, cho biết: “Tôi cho rằng không tài xế nào nên ngồi sau vôlăng khi đã uống bia rượu.
Tôi đồng ý với việc chính phủ đề nghị khởi tố người say rượu lái xe với hai tội danh giết người hoặc cố ý giết người.
Theo tôi, nếu biết rõ say rượu không được lái xe mà tài xế vẫn cố ý thực hiện, nếu xảy ra tai nạn làm chết hay bị thương người khác, đây là một hậu quả của sự cố ý”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác. Chị Auntida Vajrabhaya, sống ở Bangkok, cho rằng tòa án đã làm đúng trách nhiệm của mình là trả hồ sơ trong vụ án điểm trên.
Chị Auntida nhấn mạnh luật pháp phải rõ ràng và nhất quán.
“Tại sao chính phủ lại đề xuất chỉ khởi tố tội giết người và cố ý giết người trong một khoảng thời gian nhất định (tết Songkran) mà thời gian khác thì không? Tại sao không chọn biện pháp đơn giản hơn là nghiêm khắc hơn với tình trạng say rượu lái xe mọi lúc, mọi nơi?” - chị Auntida chất vấn.
Anh David, người Anh sống ở Thái Lan, bày tỏ nghi ngờ về đề nghị của Chính phủ Thái và cho rằng đó là “miếng mồi” cho truyền thông giật tít.
Theo anh David, để kết luận một người cố ý giết người cần chứng minh được người đó thật sự có ý định giết người khi đang lái xe.
Hành vi này rất hiếm ở Thái mặc dù có xuất hiện ở một số nước như Anh hoặc ở châu Âu do những kẻ cực đoan chính trị tiến hành.
Theo quan sát của anh David, việc thực thi pháp luật ở Thái không nghiêm, một số người giàu có có thể chỉ phải trả tiền bồi thường cho nạn nhân.
Theo mục 288 Bộ luật hình sự của Thái, tội giết người và cố ý giết người có thể bị kết án tử hình, tù chung thân hoặc từ 15 đến 20 năm tù.
Tội say rượu lái xe gây tai nạn chết người ở Thái có thể bị tối đa 10 năm tù và phạt hành chính 200.000 baht (khoảng 145 triệu đồng).