6 giờ sáng thứ Hai, thành phố Bangkok bắt đầu tỉnh giấc. Các quầy bán hàng rong bắt đầu phục vụ bữa sáng trong khi vỉa hè đầy những người đi làm.
Từ phía sau cổng ngôi chùa Wat Yannawa, những nhà sư đi chân trần mặc áo cà sa màu nâu bắt đầu xuất hiện. Từ già đến trẻ, họ lặp đi lặp lại một hoạt động hàng ngày: đi xin đồ quyên góp của các tín đồ Phật giáo.
Mỗi ngày, các nhà sư nhận sự quyên góp thức ăn, đồ uống hoặc tiền mặt của người dân. Họ cầu nguyện cho những người ủng hộ và trở về chuẩn bị bữa sáng bằng những gì nhận được.
Hơn 90% dân số Thái Lan theo đạo Phật và các nhà sư tại quốc gia này rất được coi trọng. Nhưng có một sự lo lắng đang ngày càng tăng lên: các nhà sư ở Thái Lan đang tăng cân quá nhiều.
Ủy ban Sức khỏe Quốc gia của Thái Lan cho biết có gần 349.000 nhà sư ở Thái Lan, một nửa trong số đó bị coi là thừa cân hoặc béo phì.
Có một số nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do thói quen xin đồ bố thí vào mỗi buổi sáng. Những đồ ăn này thường được người dân tự chế biến và có hàm lượng calo rất cao.
Các nhà sư cũng bị cấm ăn bất cứ thứ gì sau 12 giờ chiều, họ chỉ có thể ăn 1 hoặc 2 bữa trong khoảng thời gian buổi sáng.
Giáo sư Jongjit Angkatavanich, một dược sĩ và chuyên gia dinh dưỡng, người đã nghiên cứu về sức khỏe của các nhà sư Thái Lan trong 8 năm qua, cho rằng tình huống này giống như một “quả bom hẹn giờ”.
“Tỷ lệ béo phì giống như một dấu hiệu cảnh báo đầu tiên”, bà Jongjit nói.
Các nhà sư đang mắc các bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, các vấn đề về mắt và viêm xương khớp ở đầu gối, nhưng họ biết rất ít về chúng.
Bà Jongjit đã chứng kiến là các nhà sư bị cắt cụt ngón chân và bàn chân vì bệnh tiểu đường, nhưng các nhà sư không có kiến thức về tình trạng của họ, nhiều người thậm chí chưa từng nghe nói về bệnh tiểu đường.
Tỷ lệ béo phì ở các nhà sư của Thái Lan cao hơn so với mức trung bình của dân số. 48% nhà sư trong số họ bị béo phì so với 39% nam giới Thái Lan. Trong khi mọi người cho rằng lý do là vì các nhà sư ăn nhiều hơn, ông Jongjit cho rằng nguyên nhân không đơn giản như vậy. Các nhà sư tiêu thụ ít hơn 150 calo so với đàn ông Thái Lan.
“Sau giữa trưa, các nhà sư phải uống các loại nước khác nhau để giữ tỉnh táo”, giáo sư Jongjit giải thích, “hiện nay, loại đồ uống mà các nhà sư thích dùng chính là soda và nước ngọt”.
Hơn nữa, các nhà sư thường uống nước nước có đường khi bụng đang đói. “Đường trong chất lỏng được hấp thụ nhanh hơn,” bà nói, “điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của các nhà sư”.
Nguy hiểm hơn là các nhà sư không tập thể dục. Thay đổi những phong tục cũ là điều cực kỳ quan trọng để giảm tình trạng thừa cân của các nhà sư.
Somdet Phra Mahathirajarn, trụ trì chùa Yannawa đã nhận trách nhiệm thực hiện các thay đổi do Jongjit và nhóm của bà đề xuất, bao gồm tìm cách thay đổi các thói quen cũ và tìm ra thực đơn lành mạnh hơn cho bữa ăn của các nhà sư.
Một nhóm nhân viên y tế đã đến chùa Yannwa vào chiều ngày hôm đó. Họ mang theo các thiết bị y tế để đo đạc và theo dõi sức khỏe của các nhà sư trẻ tuổi trong chùa. Từ lượng đường trong máu đến chỉ số cân nặng và khối lượng cơ thể, tất cả đều được ghi lại và nhập vào cơ sở dữ liệu. Một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi xét đến số lượng nhà sư và chùa chiền tại Bangkok.
Somchai Teetipsatit, Giám đốc Ban Xúc tiến Y tế của Chính quyền thành phố Bangkok cho biết có khoảng 454 ngôi chùa ở Bangkok, với khoảng 16.000 nhà sư.
Để thực hiện việc giám sát sức khỏe, các phòng khám y tế công cộng và tư nhân đều tham gia. Mục tiêu của các nhà lãnh đạo thành phố là không chỉ dạy cho các nhà sư, mà cả cộng đồng, về dinh dưỡng hợp lý để họ có thể tự chăm sóc lẫn nhau.
Trong 8 năm kể từ khi Jongjit lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này, bà đã thấy một số tiến bộ.
“Những thành quả bước đầu còn hạn chế”, bà nói, “Nhưng chúng tôi phải truyền bá thông điệp này tích cực hơn. Chúng tôi gọi đó là “một ngôi chùa, một bệnh viện. Với chiến lược y tế quốc gia này, chúng tôi sẽ giới thiệu chương trình dinh dưỡng của chúng tôi đến ít nhất 11.000 bệnh viện ở Thái Lan để giúp nâng cao sức khỏe của cộng đồng”.