Ngày 22/7, trong cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Cơ quan Tình huống Kinh tế (CESA), Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đề nghị các cơ quan, ban ngành liên quan tìm cách giảm tình trạng "bệnh nhân Covid-19phải ngồi ở nhà hay thậm chí ven đường để chờ xe cấp cứu". Thay vào đó, họ cần được điều trị tại bệnh viện.
Trước đó vào ngày 20/7, vụ việc một bệnh nhân Covid-19 tử vong tại một trong những tuyến đường chính ở Bangkok đã khiến dư luận Thái Lan chấn động. Cụ thể, người đàn ông xấu số đã ngất lịm ngay trước đền Wat Bowonniwet, gần đường Sukhumvit từ 10h sáng. Thế nhưng, gần 4 tiếng sau thì nhân viên y tế mới có mặt. Dù được cấp cứu ngay tại chỗ, nhưng bệnh nhân này đã qua đời lúc 17h cùng ngày. Mãi đến 22h30, xe cấp cứu mới đến mang thi thể bị vứt lại bên đường đi.
Ngoài ra, chính quyền cũng ghi nhận 2 ca tử vong khác trên đường phố, bao gồm một người đàn ông 60 tuổi và một người đàn ông 40 tuổi. Cả hai trường hợp trên vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19.
Giải thích cho tình trạng bệnh nhân phải chờ xe cấp cứu suốt nhiều tiếng đồng hồ, một quan chức Bangkok nói rằng dịch vụ cứu thương bị quá tải do nhu cầu tăng mạnh. Làn sóng dịch khủng khiếp nhất từ trước đến nay đang càn quét Thái Lan, với tổng số ca nhiễm mới lên đến 14.575 và 114 ca tử vong trong vòng 24h qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch lên 3.811.
Bangkok hiện là nơi dịch diễn biến phức tạp nhất xứ Chùa Vàng. Theo lời Somboon Kwan-on, người đứng đầu tổ chức thiện nguyện chuyên mai táng cho người chết vì Covid-19 ở thủ đô, mỗi ngày nhóm của ông phải tiễn đưa 8 - 10 thi thể. Trong bối cảnh hàng loạt bệnh viện quá tải, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài tự cách ly và điều trị tại nhà.
Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh phong toả trong 2 tuần đối với Bangkok và các tỉnh lân cận, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp hạn chế khác để có thời gian tập trung cho công tác tiêm chủng. Tính đến nay, số người được tiêm ít nhất một liều vaccine ở Thái Lan là khoảng 11,8 triệu, chiếm hơn 17% dân số.