Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Tần Thủy Hoàng: Vị vua đầu tiên thống nhất Trung Quốc nhưng là 'người đàn ông có số phận bi thảm nhất thế giới'

Tần Thủy Hoàng - vị vua đầu tiên thống nhất Trung Quốc - được cho là người đàn ông có số phận bi thảm nhất thế giới khi đối diện với vô vàn biến cố trong cuộc đời.

Tần Thủy Hoàng (tháng 1 hoặc tháng 12, 259 TCN - 10 tháng 9, 210 TCN) tên thật là Doanh Chính hay còn có tên gọi khác là Triệu Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần ở Trung Quốc từ năm 246 TCN đến 221 TCN trong thời kỳ Chiến Quốc. Năm 13 tuổi, Doanh Chính đăng cơ làm Tần Vương, do trọng phụ Lã Bất Vi nhiếp chính. Sau khi đích thân trị vì, ông đã tiêu diệt 6 nước và tự xưng là Thủy Hoàng Đế, tức vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Ông tại vị 37 năm, trong đó xưng vương 25 năm, xưng đế 12 năm. Năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng qua đời vì bệnh ở tuổi 49.

Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc.

Tuy là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc, người khởi đầu đế quốc quân chủ Trung Hoa kéo dài gần hai thiên niên kỷ và để lại nhiều công trình khổng lồ cho nhân loại như Vạn Lý Trường Thành, lăng mộ kích thước thành phố nổi tiếng được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước thật, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng Tần Thủy Hoàng là người đàn ông có số phận bi thảm nhất trong lịch sử. Vậy tại sao Tần Thủy Hoàng lại bị gán cho cái “mác” này?

Khi còn nhỏ bị bắt nạt ở nơi 'đất khách quê người'

Tần Thủy Hoàng là con trai trưởng của Tần Trang Tương vương (tên thật là Doanh Dị Nhân hay sau còn có tên khác là Tử Sở) và mẹ là Triệu Cơ, người Hàm Đan nước Triệu. Do mẹ của Tần Trang Tương vương là Hạ Cơ không được thái tử yêu nên Dị Nhân phải làm con tin của Tần ở nước Triệu. Và cũng tại nước Triệu, Dị Nhân nhanh chóng “lọt vào mắt xanh” của Lã Bất Vi - vốn là một thương nhân nước Vệ - trong âm mưu “buôn vua bán chúa”.

Lã Bất Vi có một người tiểu thiếp tên là Triệu Cơ, dung mạo xinh đẹp, lại có tài ca múa, đàn hát. Biết Dị Nhân phải lòng Triệu Cơ, Lã Bất Vi đã dâng Triệu Cơ cho công tử nước Tần này. Không lâu sau, Triệu Cơ mang thai và sinh ra Doanh Chính (tức Tần Thủy Hoàng sau này).

Từ khi còn nhỏ, Doanh Chính đã bị mọi người bắt nạt khi lưu lạc ở nước Triệu.

Năm 257 TCN, tức 2 năm sau khi Doanh Chính ra đời, nước Triệu bị nước Tần vây đô thành Hàm Đan và trong lúc cùng quẫn, nước Triệu muốn giết Dị Nhân để trút giận nhưng may mắn thay được Lã Bất Vi lập kế, chạy thoát về nước Tần. Tuy nhiên, Triệu Cơ và Doanh Chính không kịp trốn theo, phải ở lại nước Triệu. Nước Triệu muốn giết cả hai mẹ con nhưng Triệu Cơ là con nhà tai mắt ở Triệu nên hai người đều sống. Họ phải lẩn trốn trong dân gian suốt 7 năm trời đằng đẵng, chịu đủ đắng cay tủi nhục và Doanh Chính liên tục bị mọi người bắt nạt.

Sau khi Doanh Chính trở về Tần quốc và lên ngôi vua, ông đã chinh phạt 6 nước chư hầu. Khi tới nước Triệu, Doanh Chính đã tìm kiếm và giết chết những người đã bắt nạt ông hồi nhỏ. Điều này cho thấy rằng cuộc sống thuở bé của Tần Thủy Hoàng đã khổ sở ra sao và sự hận thù trong ông lớn như thế nào.

Bị nghi ngờ về xuất thân

Sau khi Doanh Chính cùng mẹ trở về nước Tần, ông đã được phong làm Thế tử. Tuy nhiên, lúc này Doanh Chính lại bị một số quan lại trong triều phản đối vì cho rằng ông không phải là máu mủ của Tần Trang Tương Vương mà là con trai của Lã Bất Vi. Bởi lẽ, trước khi Triệu Cơ trở thành phu nhân của Tần Trang Tương Vương, bà là một tiểu thiếp trong phủ Lã Bất Vi.

Nhiều người cho rằng Triệu Cơ đã mang thai trước khi bà được Lã Bất Vi dâng cho Tần Trang Tương Vương. Cái thai được giấu kín, để đủ tháng sinh ra và đặt tên là Chính, tức Tần Thủy Hoàng sau này. Tuy nhiên, một bộ phận lớn triều thần nước Tần vẫn tin vào việc Doanh Chính là con của Tần Trang Tương vương và hết lòng ủng hộ Doanh Chính trước sau như một.

Mẹ cùng người đàn ông khác thông dâm

Mẹ của Tần Thủy Hoàng, Triệu Cơ vốn là tiểu thiếp của Lã Bất Vi.

Trang Tương Vương lên ngôi được 3 năm thì qua đời, thế tử Doanh Chính lên ngôi Tần Vương, tức Tần Thủy Hoàng. Triệu Cơ trở thành Vương thái hậu. Khi Tần Vương Doanh Chính còn nhỏ tuổi, Triệu Cơ nối lại tình xưa với Lã Bất Vi và thường xuyên lén lút tư thông với ông. Về sau khi Tần vương đã lớn, Lã Bất Vi sợ sẽ mang vạ nên bèn sai Lao Ái giả làm hoạn quan rồi dâng lên cho Triệu Cơ.

Từ đó, Triệu Cơ và Lao Ái thông dâm, sinh được hai người con trai. Lao Ái đem hai đứa con giấu đi, định lập mưu đợi Tần Thủy Hoàng chết thì lập con hắn làm vua. Tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng sau đó đã phát giác ra việc này và giết chết 3 họ nhà Lao Ái cùng 2 đứa con riêng của mẹ, đồng thời ra lệnh giam lỏng bà.

Có quá nhiều người phụ nữ trong đời

Có lẽ rất nhiều người cho rằng thật nực cười khi nói rằng một ông vua có quá nhiều người phụ nữ trong đời là một nỗi bi thảm. Tuy nhiên điều này lại đúng với Tần Thủy Hoàng, bởi lẽ từ khi lên ngôi vua, ông không hề lập hậu. Mặc dù ngủ với hàng nghìn người phụ nữ nhưng ông lại không có nổi một tình yêu chân thành.

Không chỉ trong các tài liệu lịch sử mà ngay cả trong những khám phá khảo cổ học sau này cũng cho thấy, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng chỉ có thi thể của một mình ông. Khi còn sống không có một người phụ nữ nào thật lòng đối đãi với mình, khi chết đi cũng nằm lạnh lẽo một mình. Vậy đây có phải là bi kịch không?

Thường xuyên bị mưu sát, lâm trọng bệnh rồi chết bên ngoài

Nhân vật Tần Thủy Hoàng trong phim Hạo Lan truyện.

Từ khi Tần Thủy Hoàng lập quốc, phong trào phản kháng diễn ra vô cùng mạnh mẽ khiến ông luôn lo lắng bất an. Do đó, Tần Thủy Hoàng thường xuyên đi khắp đất nước để thưởng ngoạn cảnh sắc giang sơn rộng lớn của mình và thỏa mãn khát vọng thống trị thiên hạ. Tuy nhiên, mỗi lần đi tuần du, Tần Thủy Hoàng đều bị kẻ địch mưu sát.

Tuy bản tính thông minh, hào khí ngút trời nhưng Tần Thủy Hoàng u mê tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất lão. Nhiều lần ông đã bị bọn lừa phỉnh lừa gạt, trở thành trò đùa trong thiên hạ.

Năm Thủy Hoàng thứ 37 (năm 210 TCN), Tần Thủy Hoàng ngã bệnh và qua đời khi đang đi tuần du. Do Tần Thủy Hoàng mất ở xa, lo lắng cái chết của ông có thể kích hoạt một cuộc nổi dậy lớn trong toàn đế chế nên Thừa tướng Lý Tư đã ra lệnh không phát tang, chở quan tài trọng một cỗ xe mát, cho một hoạn quan được vua yêu ngồi trong xe, đến đâu thì dâng thức ăn, trăm quan vẫn tâu việc như thường. Từ nơi Tần Thủy Hoàng qua đời về đến kinh thành mất tới hai tháng đi đường bộ, có những lúc trời nắng nóng, chiếc xe mát phát ra mùi thối, đoàn tùy tùng phải sai các quan đi theo chở trên xe một thạch cá muối để đánh lẫn mùi thối.

Bị hoạn quan thân cận thay đổi chiếu thư sau khi chết

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được bảo vệ bởi đội quân đất nung có kích thước thật.

Sau khi ngã bệnh, Tần Thủy Hoàng biết mình không thể qua khỏi nên đã viết một thánh chỉ, lệnh cho hoạn quan thân cận là Triệu Cao nhanh chóng gửi cho người con trưởng đang ở biên cương là Phù Tô trở về Hàm Dương chủ trì tang sự, tức là chuẩn bị kế vị ngôi báu. Tuy nhiên, do Triệu Cao có âm mưu phản nghịch từ sớm nên khi đưa thi thể của Tần Thủy Hoàng về tới kinh thành, Triệu Cao đã bắt tay với Thừa tướng Lý Tư đưa Hồ Hợi (năm đó 21 tuổi), người con thứ 18 trong số khoảng hơn 20 người con trai của Tần Thủy Hoàng, lên ngôi vua.

Sau khi Hồ Hợi đăng cơ, con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô đã tự sát. Tất cả con cái của Tần Thủy Hoàng, bao gồm cả trai lẫn gái, đều bị Hồ Hợi giết sạch. Bên cạnh đó, Hồ Hợi bị Triệu Cao thao túng, thực hiện nhiều chính sách hà khắc khiến dân chúng phẫn nộ, mở ra nhiều cuộc khởi nghĩa. Năm 207 TCN (sau 3 năm đăng ngôi hoàng đế), Triệu Cao bức tử Hồ Hợi và nhà Tần chỉ tồn tại thêm 46 ngày nữa.

Với những lý do trên, liệu trên thế giới còn có ông vua nào bi thảm hơn Tần Thủy Hoàng nữa không?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Baidu, Sina

Được quan tâm

Tin mới nhất