Lễ đăng quang của tân Nhật hoàng Naruhito diễn ra lúc 10h30 (8h30 giờ Hà Nội) tại phòng “Matsu no Ma” của Cung điện Hoàng gia hôm nay, ngày đầu tiên của triều đại Lệnh Hòa (Reiwa). Tên gọi triều đại này sẽ kéo dài trong suốt thời gian Nhật hoàng Naruhito trị vì.
Trong lễ lên ngôi, Nhật hoàng Naruhito, 59 tuổi, được trao ba báu vật thiêng liêng thường được gọi là “Tam chủng thần khí” gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng nhân từ. Nhật hoàng cũng được trao con dấu hoàng gia và con dấu riêng của hoàng đế.
Theo quy định của hoàng gia Nhật Bản, chỉ có nam giới mới được tham dự nghi lễ này. Phụ nữ hoàng gia, bao gồm hoàng hậu Masako và công chúa Aiko, không được tham dự.
Sau lễ đăng quang, Nhật hoàng Naruhito sẽ có bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên trước cả nước với tư cách là hoàng đế thứ 126. Hoàng hậu Masako và các thành viên hoàng gia đều có mặt khi Nhật hoàng phát biểu.
Tuy nhiên, nghi lễ lớn và long trọng nhất sẽ diễn ra vào ngày 22/10. Nhật hoàng và hoàng hậu sẽ mặc áo choàng truyền thống được may công phu để làm lễ trong cung điện trước khi diễu hành qua các đường phố thủ đô để được các lãnh đạo và hoàng gia trên thế giới chúc mừng. Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm tân Nhật hoàng khi ông tới Nhật vào cuối tháng này.
Lễ lên ngôi của Nhật hoàng Naruhito diễn ra một ngày sau khi cha ông là Nhật hoàng Akihito thoái vị, kết thúc triều đại Heisei. Cũng như người cha nổi tiếng của mình, Nhật hoàng Naruhito cảnh báo về sự cần thiết ghi nhớ Thế chiến II một cách chính xác, không giảm nhẹ chủ nghĩa quân phiệt Nhật đầu thế kỷ 20.
Ông cũng nói về sự cần thiết phải hiện đại hóa hoàng gia và cam kết khi kết hôn với Masako, người từ bỏ sự nghiệp ngoại giao đầy triển vọng, rằng sẽ bảo vệ bà “bằng mọi giá”. Cặp vợ chồng chỉ có một con gái hiện 17 tuổi và từng đối mặt với áp lực rất lớn vì không có hoàng nam thừa kế ngôi vị.
Nhật hoàng Naruhito lên ngôi khi nước Nhật đã ở một vị thế rất khác so với khi cha của ông kế vị năm 1989. Nhật Bản khi đó thống trị nền kinh tế thế giới và công nghệ của họ là sự ghen tị của mọi quốc gia công nghiệp hóa. Thị trường chứng khoán Nhật Bản khi đó ở mức cao khó nước nào có thể sánh được.