Shaniera Akram, vợ của huyền thoại cricket Wasim Akram, là một trong những người đầu tiên trông thấy bãi biển Clifton (phía nam thành phố Karachi) ngập trong đống rác thải y tế. Cô chia sẻ: “Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tôi chính là 'Mình phải làm gì đó để những người đi dạo biển không giẫm phải số rác này'. Cảnh tượng đó rất kinh khủng”.
Bãi biển Clifton là địa điểm được người dân địa phương cực kỳ ưu ái khi muốn ngắm cảnh đẹp. Tuy nhiên, sau nhiều trận mưa như trút nước, 4/5 diện tích nơi này đã bị phủ kín bởi rác thải y tế lẫn trong túi nhựa, gây nguy hiểm cho người dân nếu chẳng may tiếp xúc.
“Tôi đã giữ thói quen đi dạo trên bãi biển này suốt 4 năm qua và chưa hề thấy sợ hãi một ngày nào, mãi cho đến khi trông thấy cảnh tượng hôm nay”, Shaniera viết trên Twitter, đồng thời chia sẻ cô đã đếm được hơn 40 ống tiêm nằm lăn lóc trên bờ biển chỉ trong vòng 10 phút. “Hiện tại Clifton đang trong tình trạng nguy hiểm và cần được phong tỏa khẩn cấp”.
“Trông như cả một bệnh viện lớn đã bị sóng xô đến nơi này vậy”, cô tiếp lời. “Từ ngày sống ở Pakistan, đây là lần đầu tôi biết có hiện tượng ghê gớm đến mức ấy”.
Thật vậy, sự xuất hiện ồ ạt của số chất thải y tế khổng lồ này quả là điều bất thường. Song, trước đó, thành phố 14 triệu dân Karachi đã từng phải “vật lộn” với vấn nạn rác thải tích lũy trong suốt thời gian dài.
Thống kê của tòa soạn Dawn cho biết có 1/3 trong số 13.000 tấn rác bị cư dân thành phố vứt bỏ mỗi ngày bị dồn về cống thoát nước. Kênh Al Jazeera bổ sung rằng các bãi phế liệu xung quanh thành phố đã chất đống rác cao ngất chẳng thua kém ngôi nhà mấy tầng lầu, cống thoát nước thì liên tục cuốn trôi rác xuống Biển Ả Rập, vốn là khu vực bao quanh bãi biển Clifton.
Jamil Ahmed Khan, thư ký quốc hội về vấn đề hàng hải, thừa nhận trước báo giới rằng chính quyền địa phương đã thất bại trong việc kiểm soát tình hình trong suốt cả thập kỷ qua. Mohammad Moazzam Khan, cố vấn kỹ thuật của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF, cho biết lượng chất thải khủng khiếp này thực sự gây chấn động dư luận: “Trước đây chưa từng xảy ra sự cố nào nghiêm trọng đến thế. Hơn 20 năm trước, khi nhận thức của con người về bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, chất thải y tế bị vứt tràn lan trong các bãi rác là chuyện bình thường. Sau này, khi chính phủ các nước xiết chặt quy định về bảo vệ môi trường, chúng mới được xử lý có tổ chức hơn”.
Nguồn gốc của “bãi rác” bất tận ở Clifton vẫn chưa được vén màn bí mật, song Khan cho biết ông đã đoán được vì sao chúng lại dạt vào bờ biển này: “Rất có thể số rác này đã bị cơn mưa lớn kéo dài suốt nhiều tuần ở Karachi cuốn vào bãi biển Clifton”.
Chỉ vài tiếng sau khi vợ của huyền thoại cricket Wasim Akram chia sẻ về tình trạng đáng quan ngại ở Clifton, cơ quan chức năng đã có mặt để phong tỏa khu vực và tiến hành xử lý rác thải.
Song, Shaniera hy vọng nỗ lực của mình sẽ mang đến kết quả đáng mừng hơn nữa bằng cách thúc đẩy chính phủ Pakistan đề ra biện pháp phù hợp: “Khác với người phương Tây, cuộc sống trong tình trạng thủ thế chuẩn bị chiến tranh trong nhiều năm đã khiến cư dân nơi này quên rằng môi trường quanh họ cũng cần được bảo vệ. Nhưng tình thế bây giờ đã khác. Tôi rất vui mừng vì đã nhận được kết quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra và hy vọng điều này sẽ lan truyền bầu không khí tích cực đến với mọi người. Từ đó, chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng bảo vệ môi trường”.