Ngày 30/12, bác sĩ nhãn khoa Li Wenliang tiết lộ thông tin động trời trong nhóm cựu sinh viên y khoa trên ứng dụng WeChat: đã có 7 bệnh nhân từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán đã được chẩn đoán mắc chứng bệnh tương tự SARS, hiện đang bị cách ly để theo dõi. Theo kết quả xét nghiệm, nguồn gốc của căn bệnh này là virus corona, có họ hàng với chủng virus gây nên đại dịch SARS, tức hội chứng hô hấp cấp tính nặng.
Dịch bệnh SARS năm 2003 đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người dân Trung Quốc do chính quyền giấu nhẹm thông tin. “Tôi chỉ muốn nhắc nhở bạn học của mình cẩn thận với dấu hiệu bất thường”, bác sĩ đến từ Bệnh viện Trung ương Vũ Hán chia sẻ. Nào ngờ, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, ảnh chụp màn hình chứa tin nhắn của anh đã bị phát tán khắp mạng xã hội, song tên của chính chủ thì hoàn toàn bại lộ trước cộng đồng mạng.
“Khi thấy tin nhắn của mình bị tung lên mạng xã hội, tôi đã biết chuyện này vượt quá tầm kiểm soát của bản thân. Rất có thể tôi sẽ bị phạt”, bác sĩ 34 tuổi cho hay. Quả nhiên, anh đã bị cảnh sát Vũ Hán cáo buộc lan truyền thông tin sai lệch. Li cùng một số đồng nghiệp khác trở thành mục tiêu giám sát của cơ quan chức năng từ những tuần đầu tiên bùng phát dịch bệnh, bởi họ là những người tiên phong cảnh báo mọi người cẩn thận trước nguy cơ lây nhiễm.
Kể từ thời điểm đó, virus corona đã lan rộng trên toàn cầu, khiến ít nhất 425 người chết và hơn 20.000 người nhiễm bệnh, trong đó có cả Li. Kết quả chẩn đoán của Li được công bố vào hôm 1/2 đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong toàn dân Trung Quốc, chống lại chính sách kiểm duyệt thông tin gắt gao của chính phủ đối với tin tức xoay quanh dịch bệnh.
Cũng trong ngày 30/12, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã phát thông báo đến các cơ sở khám chữa bệnh trong thành phố, cho biết có một số người ở chợ hải sản Huanan mắc phải chứng viêm phổi chưa rõ nguyên nhân, kèm lời cảnh cáo: “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng không thể tiết lộ thông tin về tiến trình điều trị cho công chúng khi không được cho phép”. Đầu giờ chiều ngày 31/12, cơ quan y tế ở Vũ Hán đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình dịch bệnh. Li được yêu cầu xuất hiện trong cuộc họp để trình bày thông tin mình có được qua quá trình theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Đến cuối ngày, nhà chức trách quyết định báo cáo về dịch bệnh đến WHO. Song, rắc rối của Li không kết thúc ở đó.
Ngày 3/1, Li tiếp tục bị triệu tập đến sở cảnh sát vì tội lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng vì tin nhắn của mình trong nhóm WeChat. Trong đó, anh cho biết bệnh nhân của mình đã bị chẩn đoán dương tính với virus gây bệnh SARS, song tin nhắn tiếp theo đã nhận định đây là một chủng virus corona khác. Thế nhưng, kẻ tung tin đồn chỉ chụp màn hình tin nhắn đầu tiên. Do vậy, Li đã phải ký vào văn bản thừa nhận “hành vi sai trái” của mình, đồng thời cam kết sẽ không tái phạm. Nam bác sĩ thậm chí còn lo rằng mình sẽ bị tạm giam. May thay, anh được trả tự do sau một tiếng ngồi trong sở cảnh sát.
Cảnh sát lẫn Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đều từ chối bình luận về chia sẻ của Li. Trở về cương vị công tác trong cảm giác bất lực ngập tràn, anh nói: “Tôi không thể làm gì hơn. Mọi thứ đều phải theo quy trình”. Ngày 10/1, sau khi vô tình điều trị cho một bệnh nhân nhiễm virus corona, chính Li cũng xuất hiện triệu chứng của bệnh. Ngày 12/1, anh nhập viện trong tình trạng ho và sốt. Những ngày tiếp theo, sức khỏe của Li ngày càng kém, đến nỗi anh phải được cách ly điều trị và dùng máy thở oxy. Ngày 1/2, bác sĩ xác nhận anh dương tính với virus corona.
Ngay từ đầu, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm kiểm soát thông tin về dịch bệnh mới này. Ngày 1/1, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố đã thực thi quy trình pháp lý với 8 cá nhân chia sẻ tin tức trên mạng xã hội về “căn bệnh tương tự viêm phổi”, tác động xấu đến trật tự xã hội. “Internet vẫn thuộc lĩnh vực chịu quản chế của pháp luật. Bất kỳ hành vi bịa đặt, lan truyền tin đồn thất thiệt nhằm gây rối trật tự xã hội sẽ bị trừng trị không khoan nhượng”, cảnh sát tuyên bố. Bên cạnh mạng xã hội Weibo, thông báo này cũng được chuyển phát trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình nhà nước CCTV.
Suốt hai tuần sau đó, đến tận ngày 7/1, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán không hề xác nhận thêm trường hợp nhiễm bệnh nào khác. Ngày 31/1, Li đăng dòng trạng thái trên Weibo thắc mắc về lý do chính phủ vẫn giữ kín tình hình dịch bệnh, cũng như con đường lây lan từ người sang người cực kỳ nguy hiểm. Ngày 17/1, chính quyền Vũ Hán công bố 41 người bị nhiễm virus. Sang ngày 20/1, con số này đột ngột tăng lên 198. Ngày 23/1, sau khi chuyên gia Zhong Nanshan xác nhận virus có thể lây truyền từ người sang người, chính phủ đã hạ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, thế nhưng đã có 5 triệu người rời khỏi nơi này để về quê đón Tết.
Chính vì vậy, virus đã có cơ hội lan rộng khắp Trung Quốc, kể cả những khu vực xa xôi như Tân Cương và Tây Tạng. Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV vào ngày 27/1, thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang thừa nhận chính quyền địa phương đã chậm trễ trong việc công bố thông tin do phải tuân thủ trình tự pháp luật khi xử lý dịch bệnh, bao gồm thông báo và chờ xét duyệt từ cơ quan y tế quốc gia và Quốc hội.
Lúc này, dư luận đã đổi chiều. Nhiều người bắt đầu gửi đơn kiến nghị minh oan cho 8 người bị xử phạt vì đưa tin trước kia. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, truyền thông dần đăng tải nhiều tin tức và báo cáo chính xác, chuyên sâu hơn về diễn biến của dịch bệnh. Dưới áp lực của công chúng, ngày 28/1, Tòa án Tối cao Trung Quốc đã khiển trách cảnh sát Vũ Hán vì áp dụng hình phạt với những người đưa tin. Ngày hôm sau, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố chỉ mời 8 người này đến sở để chỉnh đốn tư tưởng, không hề bắt giữ hay phạt tiền họ vì hành vi lan truyền tin đồn chưa được chứng thực.
Xie Linka, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, cũng là một nhân vật bị cơ quan chức năng cảnh cáo vì truyền bá thông tin về virus corona sau khi cô trò chuyện với bạn bè trong nhóm WeChat vào tối 30/12. Li không rõ liệu mình có bị xem là một trong 8 người “tung tin thất thiệt” mà cảnh sát nhắc đến hay không, song anh vui mừng vì chính phủ đã có động thái quyết liệt hơn nhằm đối phó bệnh dịch. Hàng chục nghìn người đã để lại lời nhắn trên trang Weibo của Li để cảm ơn anh vì hành động trượng nghĩa này, đồng thời chúc anh sớm ngày bình phục.