Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Sự thật ẩn giấu sau vụ án trao nhầm con gây rúng động của FBI

Bị bắt cóc trong bệnh viện từ năm 1964, Paul đã lưu lạc đến vùng nông thôn xa xôi và sống ở đó đến tận bây giờ. Mãi đến lúc cuối đời, bố mẹ ruột của ông mới chấp nhận sự thật mình đã bị FBI trao nhầm con.

Ngày 26/4/1964, Chester và Dora Fronczak khóc cạn nước mắt khi con trai Paul mới tròn một ngày tuổi bị người bắt cóc ngay trong Bệnh viện Michael Reese (Chicago, Mỹ). Ả bắt cóc giả dạng y tá bước vào phòng bệnh và ôm Paul đi “gặp bác sĩ”, rồi nhanh chóng biệt tăm. Suốt 2 năm kế tiếp, FBI và nhà chức trách địa phương gần như lật tung cả khu vực để tìm bé trai đáng thương, nhưng mãi không thu được manh mối gì. Năm 1966, vụ án được khép lại khi họ phát hiện một cậu bé bị bỏ rơi trong trung tâm thương mại ở New Jersey có mô tả khớp với đặc điểm của Paul.

Chester và Dora Fronczak đau đớn vì mất con.

Thuở ấy, công nghệ nghiệm chứng DNA còn chưa xuất hiện nên cơ quan chức năng không có cách nào xác minh thân phận đứa trẻ. Hai vợ chồng Fronczak không màng suy tính, vui mừng ôm cậu bé vào lòng với niềm tin rằng cậu đúng là đứa con họ hằng mong nhớ, là “Paul Fronczak” của họ.

Mãi đến năm lên 10, “Paul” mới biết khi còn bé cậu từng bị bắt cóc. Gần 40 năm sau, ông mới có can đảm đi xét nghiệm DNA. Kết quả đúng như Paul dự đoán, ông thực sự không có quan hệ máu mủ với bố mẹ đã thương yêu mình bấy lâu nay. Quyết định xét nghiệm DNA của Paul đã khiến hai cụ nổi giận, không mở lời với ông suốt một năm tròn.

Lúc bị bắt cóc, Paul Fronczak chỉ mới chào đời vỏn vẹn một ngày.

Phát hiện động trời của Paul đã dẫn đến một vấn đề khác: Con ruột của Chester và Dora hiện đang ở đâu? Sau thời gian tích cực tìm kiếm, cơ quan chức năng cuối cùng cũng phát hiện tung tích của bé trai mất tích năm xưa. Ông đang sống tại thị trấn nhỏ ở Michigan dưới một cái tên khác. Người đàn ông này cho biết mình từng được nhân viên FBI liên lạc để thông báo về vụ án mất tích hơn 50 năm trước, song hiện tại ông chưa chuẩn bị tinh thần để gặp mẹ ruột là bà Dora. Bố ông, tức cụ ông Chester Fronczak, đã qua đời từ mấy năm trước.

Một cậu bé đi lạc ở New Jersey được xác định là con ruột của hai vợ chồng Fronczak, nhưng thực chất không phải.

Cả phát ngôn viên của FBI lẫn đương sự là bà Dora đều từ chối bình luận về sự nhầm lẫn này. Về phần Paul, tiếp tục tìm hiểu về thân thế của mình, ông phát hiện bản thân vốn có tên Jack Rosenthal. Mẹ ruột của ông vô cùng nát rượu, bố là cựu chiến binh, hiện giờ cả hai đều đã tạ thế. Ông còn một người chị sinh đôi tên Jill vẫn mất tích đến tận bây giờ, nghi do bị bỏ rơi. Có lẽ khi cả nhà đến trung tâm mua sắm, Jill đã gặp biến cố khiến bố mẹ Paul hoảng hốt bỏ lại ông, khiến cả nhà thất lạc nhau.

Đến năm 2012, Paul Fronczak mới chứng thực suy đoán của mình.

Vào năm 2014, việc tìm kiếm của Paul bắt đầu có hy vọng khi một người đàn ông tên Sam Miller phát hiện mình có nét tương đồng với chân dung của “Paul Fronczak” thực sự, đã được biến đổi bằng máy tính cho phù hợp với tuổi tác thực tế. Phát hiện mình bị bệnh thận và có dấu hiệu chuyển biến nghiêm trọng, Sam lo lắng đối chiếu tiền sử bệnh án mới biết hóa ra mình được nhận nuôi. Trùng hợp thay, ông lại có cảm giác mình rất có thể là Paul Fronczak đã mất tích nhiều năm, bèn vội vã tìm Paul để xác nhận. Song, cả hai lại ra về trong thất vọng vì DNA của Sam không khớp với vợ chồng nhà Fronczak.

Năm 2013, Johnnie Harbaugh, một cư dân 64 tuổi ở Chicago, đã liên lạc với truyền thông sau khi xem phóng sự về cuộc điều tra đặc biệt này. Ông cho biết kẻ đứng sau vụ bắt cóc rất có thể là mẹ mình, bà Linda Taylor, một trong những tội phạm khét tiếng nhất thập niên 70. Bà ta là một tay lừa đảo chuyên nghiệp, nắm trong tay hơn 100 tên giả và 50 địa chỉ ảo để qua mặt hệ thống phúc lợi quốc gia.

Sam Miller nhầm tưởng mình là Paul Fronczak.

Sau khi xem ảnh của Paul Fronczak lúc tròn một ngày tuổi, Harbaugh khẳng định mẹ mình từng ôm bé trai này về nhà vào năm 1964. Khi ấy, ông còn đùa với nhóc và gọi cậu bé là “hổ con”. Taylor đã mất từ 12 năm trước vì một cơn đau tim, lúc sinh thời, bà nổi danh có tài cải trang vô địch, bắt chước dáng vẻ của đủ loại nghề nghiệp và chủng tộc khác nhau, thậm chí sở hữu riêng một căn phòng chứa đầy tóc giả và đạo cụ hóa trang.

Với tay nghề điêu luyện và sự trợ giúp của công cụ, Taylor có thể dễ dàng hóa thân thành một người da vàng, gốc Phi hay thậm chí là người da trắng, mặc cho nước da ngăm ngăm đặc trưng rất khó giấu. Không chỉ vướng vào tội lừa đảo, người phụ nữ này còn bị nghi “nhúng chàm” hàng loạt các tội trạng khác như hành hung, trộm cắp, trùng hôn và thậm chí giết người.

Chân dung Linda Taylor, người phụ nữ bị nghi bắt cóc Paul.

Năm 1977, Taylor hầu tòa vì cáo buộc sử dụng danh tính giả để gian lận phúc lợi xã hội. Cũng chính trong phiên tòa này, lần đầu tiên bà ta phải đối diện với nghi án bắt cóc Paul Fronczak. Một người chồng cũ của Taylor cho biết bà từng bế một đứa bé sơ sinh về nhà vào đầu thập niên 60, trùng với khoảng thời gian Paul mất tích. Song, người phụ nữ này kiên quyết phủ nhận cáo buộc bắt cóc.

Sau một hôm đi học về, Harbaugh phát hiện bé trai đã biến mất, song mẹ ông nhất quyết không hé răng về chuyện đó. Bây giờ nghĩ lại, rất có thể khi ấy bà đã giao Paul cho một trong các nhân tình của mình ở Tennessee.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dailymail

Được quan tâm

Tin mới nhất