Mới đây, công ty đầu tư UBS của Thụy Sĩ đã dự đoán thị trường di chuyển bằng tên lửa sẽ đạt 15 tỉ bảng Anh vào năm 2030. Giá trị của ngành du lịch không gian cũng được ước tính vào khoảng 2,3 tỉ bảng Anh trước năm 2030.
Đây chính là thị trường béo bở đối với các công ty như SpaceX và Virgin Galactic. Hai công ty này cũng đang cạnh tranh nhau trong lĩnh vực du lịch không gian.
“Dù có nhiều người nghĩ việc dùng tên lửa để di chuyển khoảng cách dài là khoa học viễn tưởng, chúng tôi lại cho rằng đây là một thị trường vô cùng tiềm năng”, Jarrod Castel và Myles Walton, hai nhà phân tích tại UBS cho biết. “Khi giá cả giảm nhờ cải tiến công nghệ và cạnh tranh, du lịch không gian sẽ trở nên phổ biến hơn”.
Nguyên lý của việc di chuyển bằng tên lửa bao gồm việc thâm nhập tầng trung lưu trước khi trở lại khí quyển Trái Đất. Một chuyến bay bằng tên lửa từ London tới New York sẽ chỉ mất 29 phút và dưới 1 tiếng nếu điểm đến là Sydney.
Du lịch không gian tới sao Hỏa và các hành tinh khác cũng sẽ trở thành hiện thực khi các khách sạn lớn đăng ký xây dựng các trạm không gian.
Các nhà phân tích dự đoán rằng ngành công nghiệp không gian sẽ đạt 610 tỉ bảng Anh vào năm 2030 so với chỉ 300 triệu bảng ngày nay.
Tham gia vào cuộc đua trở thành công ty đầu tiên đưa người vào không gian là Virgin Galactic của Richard Branson, SpaceX của Elon Musk và Blue Origin của Jeff Bezos.
Trong năm 2018, hơn 150 triệu người dành hơn 10 tiếng trên những chuyến bay đường dài.
Tên lửa Starship của Elon Musk có sức chứa chỉ 100 hành khách, đây sẽ là một trở ngại lớn trong tương lai gần.
USB cho biết rất khó để tên lửa thương mại có thể chở được hơn 300 người, nhưng tần suất bay dày hơn có thể giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, công ty Virgin Galactic cho biết họ sẽ đưa người vào không gian trong năm 2019. “Chúng tôi sẽ hoàn thành công tác thử nghiệm trước tháng 7”, ông Richard cho biết. “Tuy nhiên, tôi không muốn thúc ép đội phát triển của mình. Chỉ khi nào họ hài lòng 100% với chất lượng của các chuyến bay thì chúng tôi mới khai thác thương mại”.