Tính đến tối 27/4, 10 ngày sau cuộc bầu cử của Indonesia, 272 nhân viên phục vụ sự kiện quan trọng này đã tử vong, chủ yếu do kiệt sức vì phải kiểm đếm hàng triệu lá phiếu bằng tay suốt nhiều giờ liên tục, Arief Priyo Susanto, phát ngôn viên Ủy ban Bầu cử (KPU), cho biết.
Hôm 23/4, số người chết vì kiệt sức phục vụ bầu cử mà nhà chức trách Indonesia thông báo là 139. Cuộc bầu cử ngày 17/4 là lần đầu tiên Indonesia, quốc gia với 260 triệu dân, kết hợp bầu tổng thống với bầu nghị sĩ quốc gia và khu vực vào cùng một ngày nhằm giảm chi phí. Tỷ lệ đi bầu khá cao, khoảng 80% trong tổng số 193 triệu cử tri. Mỗi cử tri phải bỏ 5 lá phiếu tại hơn 800.000 điểm bầu cử được đặt trên khắp cả nước. Tuy nhiên, việc kết hợp này mang đến áp lực hậu cần vô cùng nặng nề.
Bộ Y tế Indonesia ngày 23/4 gửi điện tới tất cả các cơ sở y tế, yêu cầu dành sự chăm sóc tốt nhất cho những nhân viên bầu cử phải điều trị. Trong khi đó, Bộ Tài chính đang làm việc để tiến hành bồi thường cho gia đình những người đã mất.
KPU đang đứng trước áp lực bị chỉ trích trong bối cảnh số người tử vong trong quá trình kiểm phiếu tiếp tục tăng.
“KPU không thận trọng trong việc quản lý khối lượng công việc của nhân viên“, Ahmad Muzani, chủ tịch chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Prabowo Subianto, đối thủ của Tổng thống Joko Widodo, nói.
KPU sẽ kết thúc kiểm phiếu và công bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 22/5. Kết quả không chính thức từ các trung tâm thăm dò cho thấy Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đã đánh bại đối thủ Prabowo Subianto và giành thắng lợi. Widodo hôm 23/4 gửi lời chia buồn về cái chết của các nhân viên kiểm phiếu và cảnh sát phục vụ bầu cử trên mạng xã hội.