Vào tuần trước, phần cơ thể đã thối rữa của một loài sinh vật bị sóng đánh dạt vào bờ biển Công viên Quốc gia Dorob, Namibia khiến các nhà khoa học bối rối khi xác định danh tính của nó. Theo đó, loài sinh vật này dài khoảng 6 m, có mỏ nhọn.
Video: Sinh vật lạ nửa cá heo, nửa cá voi
Nhìn bề ngoài, loài sinh vật này có những đặc điểm giống cả cá voi lẫn cá heo. Tuy nhiên, do cái xác đã phân hủy khá lâu nên việc xác định danh tính của loài sinh vật này vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà khoa học.
Ban đầu, các nhà khoa học bó tay, không biết đó là loài sinh vật gì, nhưng sau đó, họ tin rằng đó có thể là một con cá voi mỏ khoằm Cuvier. Nếu quả thật là như vậy, thì đây chỉ là lần thứ 2 sinh vật này nổi lên ở bờ biển Namibia kể từ năm 2000.
Nhà nghiên cứu thuộc Dự án Cá heo Namibia (NDP), tiến sĩ Simon Elwen, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi không thể xác định rõ danh tính của một loài sinh vật. Cái xác đã bị phân hủy quá nhiều khiến nó trông không còn giống với một con cá voi. Tuy nhiên, dựa vào hình dạng phần đầu và mõm cũng như kích cỡ tổng thể, nhóm nghiên cứu khá tự tin rằng nó là một con cá voi mỏ khoằm Cuvier.
Xương hàm dưới của nó đã bị gãy và vỡ nhiều, nhưng không có bất cứ vết thương ngoài da nào trên xác, do đó sự phân hủy ở hàm có thể xuất hiện sau khi chết“.
Cá voi mỏ khoằm Cuvier thường sống ở độ sâu hơn 1.000 m và phân bố khá rộng từ vùng biển nhiệt đới đến vùng biển lạnh. Cá voi mỏ khoằm Cuvier có hình điếu xì gà hay ngư lôi, trán dốc và mỏ khoằm, hơi cong trông như thể đang cười. Chiều dài cơ thể từ 5 - 7 m và trọng lượng 2.500 kg.