Singapore được biết đến là một trong những nước có ít ngày nghỉ lễ nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tổng số ngày nghỉ chính thức toàn quốc năm 2019 của Singapore là 11 ngày, bao gồm một số ngày lễ như Quốc tế lao động, ngày Vesak, ngày Hari Raya Puasa, Hari Raya Haji.
Năm nay, Singapore công bố nghỉ hai ngày 5-6/2/2019 (mùng 1 và mùng 2 Tết), theo trang web chính thức của Bộ Nhân lực Singapore.
Người lao động nào phải làm việc trong các ngày nghỉ trong năm sẽ được nhận thêm lương cơ bản. Ngoài ra người lao động và cơ quan có thể thống nhất thay thế ngày nghỉ bằng một ngày làm việc khác.
Nếu ngày nghỉ trùng vào chủ nhật, ngày thứ hai tiếp theo sẽ là ngày nghỉ.
Theo Straits Times, năm 2019 là một năm “tồi tệ” khi nói về các kỳ nghỉ quốc gia ở Singapore vì chỉ có 4 kỳ nghỉ rơi vào cuối tuần. Vào những kỳ nghỉ không rơi vào thứ bảy, chủ nhật người dân nên xin nghỉ thêm một ngày để kéo dài thêm ngày nghỉ của mình, báo Singapore gợi ý.
Tuy nhiên người lao động Singapore tham công tiếc việc dường như không “quen” với việc nghỉ phép nhiều. Một số công ty từng thử áp dụng chính sách khuyến khích nhân viên nghỉ phép nhưng không thành công do nhân viên không chịu nghỉ, cảm thấy có lỗi khi mình nghỉ mà người khác không nghỉ và phải làm thay công việc của họ hay sợ bị nhìn nhận là không chăm chỉ.
Theo Sin Harng Luh, phó giáo sư Đại học quốc gia Singapore, nghiên cứu về du lịch và phát triển bền vững, kỳ nghỉ dài ở một số nước như Trung Quốc cũng có thể có tác động hai mặt.
Số lượng khổng lồ những người đi du lịch hoặc từ nơi khác trở về Tuần lễ vàng tết Âm lịch ở Trung Quốc, từ lâu đã được coi là một trong những vấn đề bất cập của việc thiết lập thời gian nghỉ dài này.
Năm 2017, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc ước tính hơn 110 triệu chuyến đi bằng đường sắt được thực hiện trong thời gian Tuần lễ Vàng Quốc khánh. 12,95 triệu chuyến đi được thực hiện bằng máy bay. Số lượng đi lại cao điểm đẩy giá lên cao và thường đắt hơn giá vé trong thời gian nghỉ ở Singapore, chuyên gia cho biết.
Theo Channel News Asia, bản thân Trung Quốc cũng bắt đầu xem xét liệu Tuần lễ vàng có nên được tiếp tục duy trì nếu nhắc đến sự gián đoạn đối với nền kinh tế hay không.
Theo giáo sư Sin, kỳ nghỉ khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn là nghỉ ngơi. Dù là kỳ nghỉ cho tất cả mọi người, những nhân viên làm trong các ngành dịch vụ, bán lẻ, an ninh, y tế,… không thực sự được nghỉ trong những ngày này.
“Vì vậy, có lẽ hệ thống nghỉ có lượng dàn trải ra các kỳ nghỉ và thời gian nghỉ phép không phải là quá tệ khi so sánh với Tuần lễ vàng - miễn là nhà tuyển dụng cho phép chúng ta nghỉ phép, và không phải làm việc trong ngày nghỉ” - chuyên gia nói.
Tết là một trong những kỳ nghỉ quan trọng tại Singapore, khi đường phố được trang hoàng với đèn lồng, hoa đăng và những màn trình diễn đặc sắc, nổi bật là lễ hội Singapore River Hongbao có lịch sử lâu đời.
Cùng với Việt Nam và Singapore, các quốc gia châu Á khác cũng đang rộn ràng đón năm mới 2019 theo Âm lịch.
Lịch nghỉ Tết chính thức của Trung Quốc kéo dài 7 ngày. Trong đó, người dân Trung Quốc bắt đầu nghỉ từ ngày 4/2 (tức 30 Tết) đến hết ngày 10/2 (mùng 6 Tết). Kỳ nghỉ Tết Trung Quốc được gọi là Tuần lễ Vàng với hàng triệu người dân về quê ăn tết hoặc lên đường du lịch.
Tết Hàn Quốc hay còn gọi là Seollal là một trong những kì nghỉ lễ quan trọng nhất của người dân xứ sở kim chi. Năm nay, người Hàn Quốc sẽ nghỉ Tết tổng cộng 3 ngày từ 4-6/2 (tức từ 30 Tết đến mùng 3 Tết), theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc.
Theo trang Public holidays, 1/4 dân số Malaysia có nguồn gốc Trung Quốc, do đó, Tết Nguyên đán là một dịp lễ rất quan trọng và được coi là kì nghỉ chính thức toàn quốc.
Năm nay, người Malaysia sẽ nghỉ Tết từ 5-6/2 (mùng 1 và mùng 2 Tết).
Tuy không phải là một kỳ nghỉ lễ chính thức ở Philippines và Thái Lan, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức tưng bừng bởi những người gốc Hoa sinh sống tại các quốc gia này. Năm 2019, đón tết Kỷ Hợi, người dân Thái Lan và Philippines sẽ được nghỉ ngày 5/2 (tức mùng 1 tết).