Đây sẽ là siêu trăng lần thứ 3 và cũng là lần cuối trong năm 2019. Siêu trăng là hiện tượng xảy ra khi mặt trăng tròn nằm ở điểm gần Trái Đất nhất trong quỹ đạo của nó. Trăng sẽ hiện ra lớn hơn 14% và sáng hơn 12% so với bình thường, theo National Geographic.
Biệt danh “siêu trăng giun” xuất phát từ nông nghiệp, vì giun thường chui lên khỏi lòng đất khi băng tan vào khoảng thời gian trăng tròn của tháng 3.
“Nhiều biệt danh đặt cho siêu trăng trong năm đến từ các truyền thống vùng Bắc Mỹ đánh dấu sự xuất hiện của sói hoặc tuyết”, Tom Kerss, nhà thiên văn ở Đài quan sát Hoàng gia Greenwich (Anh), nói với Guardian.
Trăng tròn tháng 2, cũng là siêu trăng, được gọi là trăng tuyết, trong khi trăng tròn tháng 1 được gọi là trăng sói, vốn không chỉ là siêu trăng, mà còn trùng với nguyệt thực. Trăng tròn tháng 3 này, ngoài “trăng giun” còn được ưu ái đặt cho nhiều tên khác là “trăng nhựa cây”, “trăng con quạ”, “trăng thuần khiết”, hay “trăng đường”.
Siêu trăng giun lần này không chỉ đặc biệt nhờ biệt danh, mà còn vì nó trùng với ngày xuân phân ở bắc bán cầu, khi mặt trời nằm trên mặt phẳng xích đạo của trái đất, và ngày và đêm có độ dài như nhau. Mỗi năm vào đêm xuân phân, trăng không nhất thiết đang độ trăng tròn.
Lần cuối siêu trăng trùng với xuân phân là năm 1905, và có thể lần tiếp theo sẽ là năm 2144, theo ông Kerss. Vì vậy mỗi chúng ta chỉ gặp sự kiện hiếm có này một lần trong đời.
Ở Việt Nam, thời điểm trăng giun (trăng tròn nhất) là vào 8h42 sáng 21/3, theo trang web Timeanddate.com. Tuy vậy, tối 21/3, siêu trăng giun trùng với xuân phân vẫn sẽ là một cảnh tượng đẹp và hiếm gặp cả trăm năm mới có một lần, đặc biệt ở những nơi cách xa ánh sáng đô thị.