Đó là câu chuyện của ông Chung Tiểu Vĩ, sinh năm 1963 tại Kim Ngưu, Thành Đô, Trung Quốc. Ông là con thứ 4 trong một gia đình có 5 anh chị em. Khi ông Vĩ mới 7 tuổi, bố ông đã qua đời vì ung thư phổi để lại mẹ ông là bà Vương Tố Trân (khi đó 35 tuổi) còng lưng một mình nuôi 5 người con với đồng lương ít ỏi.
Do cuộc sống quá khó khăn nên ông Vĩ đành phải bỏ học sau khi học xong cấp 1. Từ đó tới nay, ông cũng bươn chải đủ nghề để kiếm sống. Vì vậy mà ông đã gặp đủ loại người và bị dụ dỗ theo con đường xấu. Năm 1996, ông Vĩ bắt đầu nghiện ma túy nhưng sau khi cảnh sát bắt, ông đã suy nghĩ thấu đáo và cai nghiện, làm lại cuộc đời.
10 năm sau, cuối cùng ông Vĩ cai nghiện thành công. Hơn nữa, ông cũng có một cửa hàng nhỏ cho riêng mình và chuẩn bị kết hôn với bạn gái vào mùa xuân năm 2009. Tuy nhiên, đời không như mơ.
Cuộc sống địa ngục trong 7 năm bị tuyên nhầm “án tử”
Trước khi kết hôn, ông Vĩ cùng bạn gái đi kiểm tra sức khỏe tổng quát tại trung tâm y tế Thành Đô và vào một ngày tháng 12/2008, ông như chết điếng khi cầm tờ kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV trên tay. Tiếp đó, ông đi khám lại ở trung tâm y tế Tứ Xuyên nhưng kết quả vẫn dương tính. Do trước đây từng nghiện ma túy và đã đi xét nghiệm 2 lần tại những cơ sở uy tín tại địa phương nên ông không hề nghi ngờ gì về kết quả đó.
Từ đó cuộc đời ông Vĩ trở nên mịt mù, đen tối, sống trong những ngày chờ chết. Bạn gái ông bỏ đi và các thành viên khác trong gia đình xa lánh, hắt hủi ông sau khi biết tin. “Người thân đối xử với tôi như thế cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều, chẳng qua tôi cũng chỉ là một kẻ ngồi chờ chết thôi mà“, ông Vĩ nghẹn ngào nhớ lại quãng thời gian đó.
Ông Vĩ sống trong ngôi nhà tạm bợ được bao bọc bởi những tấm màn che xung quanh và từ chối nhận thuốc ngăn chặn bệnh AIDS được cung cấp miễn phí vì ông hy vọng có thể chết càng sớm càng tốt. Ông không dám ngủ trên giường của mình và chỉ đi lang thang rồi nằm vạ vật trên ghế vỉa hè trong suốt 7 năm. Ông Vĩ cũng nói rằng đã có lúc ông nghĩ tới chuyện tử tự nhưng nghĩ tới mẹ, ông lại không dám.
Trong khoảng thời gian đó, ông Vĩ phải sống dựa vào khoản trợ cấp nhỏ nhoi từ chính phủ. Tuy nhiên, để có khoản trợ cấp đó, mỗi năm ông phải báo cáo về số lượng CD4 - một bài kiểm tra số lượng tế bào T trong máu.
Nghẹn ngào trong nước mắt khi nhận thông báo không bị nhiễm HIV
Trong một cuộc kiểm tra hàng năm tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở Kim Ngưu vào tháng 12/2015, ông Vĩ bất ngờ nhận được thông báo âm tính với HIV. Không tin vào sự thật, ông Vĩ tới Bệnh viện Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên để kiểm tra lại nhưng kết quả vẫn âm tính. Tới tháng 1/2106, ông Vĩ đi kiểm tra lại lần nữa và nhận được kết quả tương tự.
Hồi đầu tháng này, khi nói với tờ The Paper, ông Vĩ nói đang có kế hoạch khởi kiện cả hai trung tâm y tế Thành Đô và Tứ Xuyên, đồng thời ông cũng mong nhận được lời xin lỗi và bồi thường từ hai cơ sở y tế này cho tất cả những gì ông phải gánh chịu trong suốt 7 năm qua.