Quái vật hồ Loch Ness là bí ẩn chưa được giải lớn nhất của nước Anh với vô số nỗ lực tìm kiếm con vật thần bí này đã thất bại.
Trong một bước ngoặt mới trong hàng thập kỷ, nhà khoa học New Zealand Neil Gemmel đã công bố bản báo cáo khoa học có thể lý giải nguồn gốc của con thủy quái hồ Loch Ness (hay còn gọi là Nessie).
Ông và một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm kiếm DNA của loài bò sát trong hồ nước sâu 226 m nổi tiếng ở Scotland kể từ năm 2018.
Khoảng 250 mẫu nước đã được lấy và phân tích để tìm kiếm các dấu hiệu của con quái vật được cho thuộc chủng bò sát.
Giáo sư Gemmel đã tiết lộ kết quả tại một cuộc họp báo ở bờ hồ Loch Ness vào ngày 5/9 vừa qua.
“Chúng tôi đã tìm thấy một lượng lớn DNA cá chình trong hồ Loch Ness”, ông Gemmel cho biết.
“Mỗi địa điểm lấy mẫu mà chúng tôi đã đến đều có cá chình. Khối lượng ADN cá chình lớn một cách bất thường. Có thể nào quái vật hồ Loch Ness là một con cá chình khổng lồ không? Nhiều khả năng là vậy. Chúng tôi không biết rằng số ADN này là của một con cá chình khổng lồ hay là của nhiều con cá chình nhỏ”.
Cá chình thường dài tới 4 đến 6 mét và có người nói rằng họ từng thấy những con cá to hơn thế. Nhiều khả năng rằng có thể có một hoặc hai con phát triển đến kích thước cực lớn, gấp 50% bình thường. Về phần con quái vật trong hồ Loch Ness. Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nó, nhưng cuộc săn tìm tới đây là kết thúc”.
Mặc dù đã có rất nhiều lần được “nhìn thấy” trong nhiều năm qua, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy quái vật hồ Loch Ness là có thật.
Nghiên cứu của giáo sư Gemmell đã xác nhận rằng không có một loài bò sát khổng lồ nào sống trong Loch Ness.
“Có một con bò sát cổ dài trong hồ Loch Ness không? Không. Hoàn toàn không có ADN bò sát trong các mẫu nước mà chúng tôi thu thập”, ông khẳng định.
“Chúng tôi khá chắc chắn rằng không có một loài bò sát có vảy khổng lồ ở trong hồ Loch Ness”.
Quái vật hồ Loch Ness lần đầu tiên được “nhìn thấy” vào năm 565 khi cuốn tự truyện của thầy tu Ireland Saint Columbia đề cập đến một “quái vật nước” khổng lồ kéo một người đàn ông xuống sông Ness tại Scotland.
Tuy nhiên, sự quan tâm của công chúng về con quái vật này chỉ được bùng lên vào năm 1933 sau khi một con đường được xây dựng dọc theo hồ.
Chỉ trong vài tháng, một số người đã tuyên bố nhìn thấy một con thú khổng lồ xuất hiện gần mép nước.
Mọi chuyện trở nên hấp dẫn hơn vào năm 1934 khi “bức ảnh bác sĩ phẫu thuật” chụp lại con thủy quái được công bố.
Vào năm 1975, bức ảnh nổi tiếng đã bị vạch trần là một trò lừa bịp bởi chính một trong những kẻ thực hiện. Con thủy quái thực chất được tạo ra bằng cách sử dụng một chiếc tàu ngầm đồ chơi có gắn một cái đầu gỗ.
Đại đa số các nhà khoa học đồng ý rằng không có một sinh vật biển khổng lồ nào sống trong hồ.
Những lần “nhìn thấy” từ xa thường chỉ là những con cá chình lớn, cá da trơn hoặc rái cá và hươu bơi trong nước.
Ngoài ra, người dân có thể còn nhìn nhầm các vật vô tri như thân cây, khúc gỗ thành quái vật trong điều kiện ánh sáng nhá nhem.
Trở lại với nghiên cứu của giáo sư Gemmell, đội của ông đã khảo sát hồ Loch ở những điểm sâu nhất của nó, bao gồm độ sâu 50, 100 và 200 mét.
Tổng cộng, họ đã thu thập khoảng 250 mẫu nước kể từ năm 2018 đến nay.
Hơn 500 triệu chuỗi ADN đã được thu thập để phân tích. Mỗi chuỗi ADN trong số đó thuộc về một sinh vật riêng lẻ.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện 3.000 loài trong hồ Loch Ness, hầu hết trong số đó đều có kích thước rất nhỏ.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng cho người tin rằng Nessie là có thật.
Con quái vật hồ Loch Ness có thể chỉ sống trong hồ vào một khoảng thời gian nhất định. Do vậy, nghiên cứu của các nhà khoa học có lẽ đã bỏ lỡ thời điểm quan trọng.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ phát hiện ra các loài động vật sống trong hồ trong vòng 1 tuần trở lại”, giáo sư Gemmel bổ sung thêm.