Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Quá khứ đẫm nước mắt của nữ ca sĩ bị cảnh sát cưỡng hiếp khi chỉ mới 10 tuổi

“Tôi bị cảnh sát cưỡng hiếp khi mới 10 tuổi. Giờ đây, tôi muốn cả thế giới này phải biết về nỗi kinh hoàng mà tôi đã chịu đựng”, nữ ca sĩ Nyaruach trải lòng.

Nyaruach, hiện đã 35 tuổi và có 2 đứa con. Cô đang sống trong Trại tị nạn Kakuma do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn và chính phủ Kenya điều hành. Mới đây cô trải lòng về khoảng thời gian đã qua, về những lần bị cưỡng hiếp dù còn quá nhỏ.

Những ký ức đau buồn

Ca sĩ Nyaruach, người sống sót sau cuộc nội chiến tàn khốc của Sudan, sẽ biểu diễn tại các lễ hội ở Anh vào mùa hè này

Nyaruach chỉ mới 10 tuổi khi cô bị một chỉ huy cảnh sát hãm hiếp. Bất lực trước người đàn ông có trang bị vũ khí để chuẩn bị thực hiện vụ tấn công kinh hoàng, cô biết mình sẽ bị giết nếu chống cự.

Mới chỉ 4 tuổi khi mẹ cô bị sát hại, cô bé mồ côi Nyaruach là một trong số hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái phải chịu đựng nỗi đau bạo lực tình dục trong cuộc nội chiến tàn khốc ở Sudan.

Hiện đang sống trong một trại tị nạn ở Kenya, ca sĩ Nyaruach muốn cả thế giới biết những điều kinh hoàng mà cô phải chịu đựng. Cô đã đưa những trải nghiệm đau đớn tột cùng của mình vào âm nhạc - và mùa hè này cô sẽ biểu diễn chúng tại một số lễ hội và địa điểm nổi tiếng nhất nước Anh.

Nyaruach muốn sử dụng âm nhạc để thúc đẩy hòa bình

Nyaruach nhớ lại cách cô nhìn thấy các thành viên gia đình mình bị giết và những ngôi nhà bị đốt cháy ở Sudan, nơi chiến tranh nổ ra vào năm 1983 - năm cô được sinh ra. Cô không nhớ nổi số lần bản thân bị hãm hiếp và trong một khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời, cô đã cố gắng tự kết liễu mạng sống của mình bằng cách uống thuốc độc.

Giờ đây, cô ấy muốn trở thành tiếng nói cho phụ nữ và trẻ em, những người phải chịu đựng những xung đột, bất hòa và tin rằng âm nhạc sẽ là một công cụ mạnh mẽ để truyền tải thông điệp của cô ấy.

Nyaruach nói với trang Mirror Online rằng: “Lần đầu tiên tôi bị hãm hiếp trong khi cuộc chiến tranh đang diễn ra, tôi đã nhờ người cảnh sát ấy giúp đỡ, nhưng ông ta đã lợi dụng tôi. Khi họ có trong tay sức mạnh quyền lực, bạn không thể ngăn họ làm những gì họ muốn làm, họ sẽ lợi dụng bạn”.

Nữ ca sĩ đã dũng cảm kể lại trải nghiệm thời thơ ấu của mình

“Bạn chỉ có thể chấp nhận những gì họ làm với bạn, và đó là những gì đã xảy ra ở Nam Sudan. Nếu bạn không để cho họ làm cái điều mà họ muốn làm với bạn, bạn chắc chắn sẽ bị giết chết. Phụ nữ không có bất cứ quyền con người nào ở đây hết”.

Dùng âm nhạc để đấu tranh cho phụ nữ

Vào tháng 2 đầu năm nay, Liên Hợp Quốc cho biết các điều tra viên của họ đã phát hiện ra bằng chứng chứng minh 50 trẻ em - trong đó có một bé 8 tuổi - bị các lực lượng hỗ trợ của chính phủ cưỡng hiếp ở Nam Sudan, cùng với 84 phụ nữ trong ba tháng cuối năm 2018.

“Một người đàn ông có thể cưỡng hiếp bạn và sau đó họ đuổi bạn đi”, Nyaruach nói. “Rất nhiều cô gái đã bị hãm hiếp, họ không có chút hy vọng nào khi sống ở Nam Sudan”.

Nyaruach cho biết phụ nữ không có quyền cơ bản của con người ở quê hương của cô

“Tôi đang chiến đấu vì phụ nữ và trẻ em, tôi muốn họ được tự do. Ai đó có thể đến và phá hủy cuộc sống của bạn - và điều này được chấp nhận ở Nam Sudan”, Nyaruach nói.

Kakuma là một trong những vùng nghèo nhất của Nam Sudan. Nhiều người trong số 60.000 cư dân nới đây phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng và bạo lực mỗi ngày.

“Chúng tôi đang phải chịu rất nhiều những thiếu thốn, mọi người không được học hành và không bao giờ có đủ tiền để sống”, Nyaruach nói.

Nyaruach đang làm việc với các tổ chức địa phương để kêu gọi hỗ trợ phụ nữ trẻ và khuyến khích họ đấu tranh cho quyền của phụ nữ.

“Âm nhạc là thứ lớn nhất có thể mang đến cho bạn hy vọng”, cô nói. “Có lẽ ai đó có thể hát về hòa bình và văn hóa của chúng tôi, những bài hát này có thể giúp mọi người tiến về tương lai”.

Năm 2008, sau nhiều năm xa cách, Nyaruach đã được đoàn tụ với anh trai mình, Emmanuel Jal, người đã trốn khỏi ngôi làng trong một cuộc tấn công cướp đi mạng sống của mẹ họ. Trong một cuốn tự truyện và phim tài liệu phát hành năm 2009 có tên War Child, anh kể lại việc được chiêu mộ làm lính trẻ em.

Nyaruach đã thu âm một album với anh trai cô, Emmanuel

Vào tháng 2, Emmanuel nói với trang Mirror Online rằng: “Chúng tôi đã bước qua địa ngục. Hãy tưởng tượng bạn mới chỉ 7 tuổi và phải đi vào chiến trường. Tôi thấy những cái đầu bị thổi bay, người chết ở khắp mọi nơi, chúng tôi giống như thây ma vậy”.

Nhờ một nhân viên cứu trợ người Anh tên Emma McCune, Emmanuel đã được chuyển đến Nairobi ở Kenya, nơi anh được cấp tị nạn ở Anh. Năm ngoái, hai anh em đều có chung một tình yêu với âm nhạc, đã cùng nhau phát hành một album tên Naath và dự định biểu diễn ở châu Âu vào mùa hè.

Vào tháng 7 và tháng 8, Nyaruach sẽ biểu diễn tại lễ hội The Womad and Boomtown, mỗi nơi thu hút hàng chục ngàn người yêu âm nhạc đến xem. Họ cũng lên kế hoạch biểu diễn tại Roundhouse - một trong những sân khấu biểu diễn mang tính biểu tượng ở Bắc London.

Nyaruach chuẩn bị biểu diễn tại lễ hội Boomtown vào mùa hè

Phát biểu trong bộ phim tài liệu về cuộc đời của anh trai mình, Nyaruach kể lại việc nhìn thấy một cô gái trẻ bị binh lính hãm hiếp khi cô đang cố gắng trốn thoát đến Ethiopia.

Cô nói: “Họ giữ chặt, trói tôi lại và điều gì đã từng xảy ra với tôi tương tự xảy ra với cô gái đó”.

Và mô tả về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh nơi quê nhà, cô nói: “Rất nhiều người dân của chúng tôi đã bị giết trong cuộc chiến, chúng tôi còn chẳng có thời gian để chôn cất họ. Vì vậy, chúng tôi đã phải ném xác họ xuống sông và nó trở nên ô nhiễm khủng khiếp”.

Nyaruach đã mạnh dạn nói về những trải nghiệm của mình

Ước tính hai triệu người đã chết trong Nội chiến Sudan lần thứ hai từ năm 1983 đến 2005. Nó bắt nguồn từ miền nam Sudan, nơi anh chị em Nyaruach được sinh ra, trước khi cuộc tàn sát bao trùm toàn bộ đất nước.

Năm 2011, Nam Sudan đã trở thành một quốc gia độc lập, nhưng hai năm sau, công dân lại một lần nữa buộc phải chịu đựng bạo lực khi đất nước mới thành lập rơi vào nội chiến. Ước tính có khoảng 400.000 người đã chết và hơn hai triệu người phải di dời.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mirror

Được quan tâm

Tin mới nhất