Được biết, kết luận trên được đưa ra bởi một đội ngũ khoa học gia của ESA hiện đang nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ vũ trụ đối với sinh vật sống cũng như các vật liệu phổ biến.
Một nhiệm vụ khác của nhóm này là tìm cách bảo vệ các phi hành gia tốt hơn trong những hành trình khám phá các hành tinh trong hệ Mặt Trời.
Để nghiên cứu ảnh hưởng của tia vũ trụ, ESA đã hợp tác với các trung tâm gia tốc hạt ở khắp Châu Âu để tạo ra phóng xạ vũ trụ ngay trong phòng thí nghiệm.
Bằng cách chiếu tia phóng xạ vào tế bào sinh vật sống và các loại vật liệu khác nhau, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu được tác động của phóng xạ vũ trụ và tìm cách phòng chống chúng.
“Việc nghiên cứu đã có tiến triển”, nhà vật lý phóng xạ Marco Durante cho biết, “Lithium đang là vật liệu bảo vệ triển vọng nhất trong các nhiệm vụ vũ trụ”.
Không chỉ có tác dụng trên không gian, nghiên cứu về tia vũ trụ còn có nhiều ứng dụng quan trọng đối với ngành vật lý và cuộc sống của con người trên Trái Đất”, bà Jennifer Ngo-Anh, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học của ESA cho biết.
Theo nghiên cứu trên, một nhà du hành vũ trụ sẽ bị phơi nhiễm bởi 60% lượng phóng xạ cho phép trong suốt cuộc đời của họ chỉ trong 1 chuyến thám hiểm 6 tháng trên Sao Hỏa.
“Lượng phóng xạ mà các phi hành gia phải chịu trong một ngày trên vũ trụ tương đương một lượng phóng xạ cả năm trên Trái Đất”, giáo sư Durante cho biết.
Được biết, khí quyển và từ trường Trái Đất có tác dụng bảo vệ sinh vật sống khỏi phóng xạ vũ trụ, vốn là những hạt năng lượng di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng có khả năng công phá các tế bào trong cơ thể.
Hoạt động bất thường trên Mặt Trời cũng có thể tăng mức phóng xạ trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, các nhà du hành sẽ phải mất hàng tháng bay trong vũ trụ để tới được Sao Hỏa.
“Với tình hình hiện tại, chúng ta không thể tới được Sao Hỏa nếu không tìm cách bảo vệ được các nhà du hành vũ trụ khỏi phóng xạ không gian”.
“Vấn đề hiện tại là những rủi ro khó lường trong không gian”, giáo sư Durante nhận định. “Chúng ta không hiểu rõ về phóng xạ vũ trụ và tác động lâu dài của nó”.
Trên Sao Hỏa, nơi có khí quyển mỏng manh nhưng không từ trường, các nhà thám hiểm sẽ không có được sự bảo vệ giống như trên Trái Đất.
Trong những nhiệm vụ dài trong không gian, tia vũ trụ có thể tăng nguy cơ ung thư và gây tổn thương não, hệ thần kinh và trái tim. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng của phóng xạ đối với DNA và gen.
Kể cả trên trạm vũ trụ quốc tế ISS, các phi hành gia vẫn phải chịu phơi nhiễm phóng xạ gấp 200 lần trên Trái Đất.
Do đó, NASA luôn giám sát chặt chẽ tình hình “thời tiết” trong không gian.
Nếu phóng xạ vũ trụ tăng đột biến, trung tâm điều khiển mặt đất tại Houston, Texas sẽ yêu cầu các phi hành gia ngừng đi bộ trong không gian, di chuyển tới khu vực an toàn hơn hoặc thậm chí là thay đổi vị trí của trạm ISS.