Mẫu vật đặc biệt thuộc về một loài mới có tên Avimaia scheweitzerae được phát hiện tại một trầm tích 110 triệu năm tuổi ở Tây Bắc Trung Quốc.
Loài Avimaia thuộc nhóm chim Á Điểu Enantiornithe, vốn phân bổ rộng rãi khắp thế giới trong kỷ Creta và sống cùng thời khủng long.
Khi nghiên cứu hóa thạch này, nhóm khoa học dẫn đầu bởi Tiến sĩ Alida Bailleul và Jingmai O'Connor của Học viện khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một sự thật bất ngờ rằng có thể chính quả trứng trong bụng chim mẹ đã gây ra cái chết cho nó.
Tiến sĩ Bailleul cho biết: “Hóa thạch mới được bảo tồn cực kỳ tốt, bao gồm cả quả trứng trong bụng nó. Chỉ khi một phần hóa thạch được trích xuất và phân tích dưới kính hiển vi, chúng tôi mới biết rằng con chim này đang mang thai.
Nghiên cứu kỹ lưỡng vỏ trứng cho chúng tôi biết rằng cơ quan sinh sản của con chim này hoạt động không bình thường”.
Cụ thể, vỏ trứng có tới hai lớp thay vì một lớp, điều này cho thấy quả trứng đã nằm quá lâu trong bụng con chim. Nguyên nhân hàng đầu là do con chim mẹ bị stress.
Hiện tượng này đã được ghi nhận ở một số loài khủng long chân thằn lằn cũng như một số loài rùa hiện đại. Đây có thể là nguyên nhân gây ra cái chết của con chim mẹ”.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn tìm thấy dấu hiệu của màng và biểu bì trên quả trứng với cấu tạo chủ yếu từ protein và các thành phần hữu cơ khác.
Phân tích mảnh xương của loài chim mới còn cho thấy sự xuất hiện của tủy xương, vốn cũng xuất hiện trên một số hóa thạch chim và khủng long sống cùng thời”.
“Quả trứng là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy hóa thạch này là một con cái”, tiến sĩ O'Connor cho biết.
“Loài chim mới là một trong những hóa thạch thú vị nhất từng được phát hiện ở kỷ Creta, nó cung cấp nhiều thông tin sinh học hơn tất cả các hóa thạch từng được biết đến ở Đại Trung Sinh”.