Các nhà khoa học trong tiền đồn quân sự ở khu vực quần đảo Franz Josef Land ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Nga mới đây phát hiện chiếc sừng kỳ lân được bảo quản tốt với chiều dài hơn một cơ thể người. Hộp sọ của sinh vật này dạt vào bờ biển của vùng đất cô lập này. Chiếc sừng thực tế là răng nanh xoắn ốc hình mũi nhọn với trọng lượng 20 kg.
Darya Antufyeva, một chuyên gia môi trường tại Công viên quốc gia Bắc Cực (Nga), cho biết hộp sọ kỳ lân còn nguyên vẹn. “Chúng tôi đã vận chuyển cẩn thận phát hiện quý giá này về căn cứ”, Darya nói.
Sừng kỳ lân có thể dài tới 275 cm.
Với tên gọi là kỳ lân biển, loài này có họ cùng cá voi beluga. Chỉ có kỳ lân đực có răng nhô ra.
Phát hiện mới nhất được cho là rất hiếm bởi các loài động vật có vú - sống ở vùng biển ngoài khơi Nga, Greenland và Canada - thường chết dưới nước.
Hài cốt của chúng hoặc bị chìm hoặc được dạt vào bờ ở những nơi xa xôi, nơi chúng bị phá hủy nhanh chóng bởi những cơn bão hoặc băng khắc nghiệt.
Các nhà sinh học và di truyền đang kiểm tra hài cốt. Sau đó, phát hiện này sẽ được trưng bày tại bảo tàng công viên quốc gia ở Arkhangelsk.