Thông tin trên được đưa ra dựa theo một nghiên cứu được công bố hôm 29/6 trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Được đặt tên là G4, loại virus cúm lợn này có nguồn gốc di truyền từ chủng H1N1 từng gây ra đại dịch năm 2009, theo các nhà khoa học Trung Quốc.
Từ năm 2011 đến 2018, các nhà nghiên cứu đã lấy 30.000 miếng gạc mũi lấy từ lợn trong các lò mổ ở 10 tỉnh của Trung Quốc và trong một bệnh viện thú y, cho phép họ phân lập 179 virus cúm lợn.
Phần lớn là một loại virus mới đã chiếm ưu thế ở lợn kể từ năm 2016.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau bao gồm cả chồn - loài động vật thường được dùng để nghiên cứu virus cúm vì chúng có triệu chứng tương tự như người như sốt, ho, hắt hơi.
G4 được cho là có khả năng lây nhiễm cao, sao chép trong các tế bào của con người và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn ở chồn so với các loại virus khác.
Các xét nghiệm cũng cho thấy những miễn dịch sinh ra khi con người nhiễm cúm cũng không chống lại được G4. Theo xét nghiệm máu mà các nhà nghiên cứu thực hiện, 10,4% người lao động làm việc liên quan tới lợn đã bị nhiễm G4. 4,4% dân số dường như cũng bị phơi nhiễm. Do đó, virus đã truyền từ động vật sang người, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó có thể truyền từ người sang người.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều đáng lo ngại là nếu con người nhiễm G4, sự thích nghi của virus này sẽ gia tăng trên con người và có thể tăng nguy cơ bùng phát thành đại dịch ở người.
Các tác giả nghiên cứu kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giám sát những người làm công việc liên quan tới lợn, ngăn nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.