Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh (NHC) hôm 1/6 cho biết, người đàn ông ở thành phố Trấn Giang nhập viện vào ngày 28/4 và được chẩn đoán mắc H10N3 vào ngày 28/5. Cơ quan này không cho biết chi tiết về việc người đàn ông bị nhiễm bệnh như thế nào.
Hiện tình trạng của người này đã ổn định và sắp xuất viện. NHC cho biết, điều tra các mối quan hệ thân cận của ông không tìm thấy trường hợp nào khác. Không có trường hợp nhiễm H10N3 nào khác ở người được báo cáo trên toàn thế giới, theo NHC.
Nhiều chủng cúm gia cầm khác nhau xuất hiện ở Trung Quốc và một số lây nhiễm không thường xuyên ở người, thường là những nông dân chăm gia cầm. Không có dấu hiệu cho thấy H10N3 có thể lây lan dễ dàng ở người.
NHC cho biết thêm, H10N3 có khả năng gây bệnh thấp, có nghĩa là nó gây ra bệnh tương đối ít nghiêm trọng hơn cho gia cầm và không có khả năng gây ra một đợt bùng phát quy mô lớn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong một cuộc trả lời với Reuters tại Geneva, cho biết: “Khi cúm gia cầm còn lưu hành trong gia cầm thì việc lây nhiễm lẻ tẻ cúm gia cầm sang người là điều không đáng ngạc nhiên, đó là một lời nhắc nhở rằng mối đe dọa của đại dịch cúm vẫn còn dai dẳng".
Filip Claes, điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Trung tâm Khẩn cấp về Dịch bệnh Động vật Xuyên Biên giới của Tổ chức Nông Lương tại văn phòng khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết chủng H10N3 “không phải là một loại virus phổ biến”.
Ông này cho biết thêm, chỉ khoảng 160 trường hợp nhiễm virus này trong vòng 40 năm qua (tính đến 2018), chủ yếu ở các loài chim hoang dã hoặc thủy cầm ở châu Á và một số khu vực hạn chế ở Bắc Mỹ, và chưa có trường hợp nào được phát hiện ở gà cho đến nay.
Việc phân tích dữ liệu di truyền của virus là cần thiết để xác định xem nó có giống với những virus cũ hơn hay nó là sự pha trộn mới lạ của các loại virus khác nhau, Claes nói.
Trước đó, chủng H7N9 đã giết chết khoảng 300 người trong thời gian từ năm 2016 đến 2017.