Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã kết thúc sớm khi hai bên không ra được thỏa thuận chung. Tuyên bố của Thư ký báo chí về Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội ngày 28 tháng 2 năm 2019 cho hay: “Tổng thống Donald J. Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã có những cuộc gặp rất tốt và mang tính xây dựng tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27-28 / 2/2019. Hai lãnh đạo đã thảo luận nhiều cách khác nhau để thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các ý tưởng thúc đẩy kinh tế. Không có thỏa thuận nào đạt được tại thời điểm này, nhưng các đội phụ trách của họ mong muốn gặp nhau trong tương lai”.
Ngay khi có thông tin thượng đỉnh kết thúc mà không đạt được thỏa thuận chung nào, một số chuyên gia quốc tế đã đưa ra đánh giá cá nhân về kết quả này.
Ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chiến dịch quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân) nói: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi cuộc đàm phán lần này bị đổ bể, sau khi ông Trump dành quá nhiều thời gian trong văn phòng để thổi bùng về các hiệp ước hạt nhân hơn là xây dựng chúng. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các hiệp ước chẳng hạn như hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập ngay vào ngày mai và bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp“.
Trong khi đó, ông Van Jackson, tác giả của cuốn Trên bờ vực: Trump, Kim và Mối đe dọa của Chiến tranh hạt nhân nói rằng, Mỹ chỉ nên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khi tiến triển của các cuộc đàm phán được tạo ra “ở cấp độ Biegun”, ám chỉ đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Steve Biegun.
“Đây là lý do tại sao không nên tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh cấp cao khi chưa có sự liên kết với các cuộc đàm phán thực tiễn. Ngay cả khi Hội nghị thượng đỉnh thành công theo tiêu chuẩn của chính quyền đương nhiệm và những người thay thế, thì vẫn rất khó khăn trong việc giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, điều chưa từng xảy ra trong các cuộc đàm phán gần đây. Bây giờ, ngay cả những rào cản thấp cũng rất khó có thể vượt qua“, nhà phân tích Van Jackson nói thêm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh, ông Trump cho biết thỏa thuận Mỹ - Triều không thể đạt được do liên quan tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Triều Tiên. “Đó là do vấn đề lệnh trừng phạt. Về cơ bản, họ muốn được dỡ bỏ trừng phạt theo lộ trình của họ nhưng chúng tôi không thể”, Tổng thống Trump nói.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông Kim sẵn sàng phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhưng muốn mọi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ trước. Ông không sẵn sàng làm điều này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tiếp sau Tổng thống Trump trong cuộc họp báo, cho rằng thậm chí nếu Yongbyon được tháo dỡ, vẫn còn có những cơ sở và vũ khí khác. Họ không đạt được thỏa thuận về những cơ sở hạt nhân này với ông Kim. Tuy nhiên, ông Mike vẫn rất lạc quan về tình hình. “Chúng tôi đã đạt được tiến triển thực sự trong 24-36 giờ qua. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không thể hoàn thiện mọi vấn đề”.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán sẽ rất mất thời gian nhưng hy vọng hai bên có thể tiếp tục đàm phán trong vài tuần tới.