Nạn nhân Audrey hiện đang được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện tư ở Pontiank, tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia sau khi bị một nhóm gồm 3 thủ phạm chính cùng 9 người khác hành hung.
Những kẻ tấn công hiện là học sinh trung học, được cho là đã đập đầu Audrey xuống đường, đá vào bụng, bóp cổ và đổ nước lên người. Một trong số các nghi phạm còn thọc tay chúng vào vùng kín của nữ sinh.
Vụ việc xảy ra hôm 29/3 nhưng nạn nhân chỉ thông báo với cảnh sát một tuần sau đó do bị các nghi phạm đe dọa.
Audrey bị tấn công sau khi người anh con bác chia tay với bạn gái - một trong số những kẻ đã tấn công dã man nạn nhân.
Cộng đồng mạng khi biết vụ việc ngay lập tức bày tỏ sự giận dữ khi nghe tin nhà chức trách muốn gia đình Audrey giải quyết vụ việc ngoài toà án, nhằm giúp các nghi phạm vị thành niên không bị truy cứu trách nhiệm.
Tin đồn này đã thổi bùng phong trào đòi công lý do Audrey, khi cụm từ #JusticeForAudrey (Công lý cho Andrey) gây sốt trên mạng xã hội Twitter khắp thế giới. Tính tới chiều 10/4, một đơn kiến nghị kêu gọi công lý cho nạn nhân cũng thu hút trên 3 triệu người ký tên.
Eka Nurhayati Ishak, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trẻ em (KPPAD) tại tỉnh Tây Kalimantan, cho biết ủy ban này không cho rằng vụ việc nên được giải quyết giữa gia đình Audrey và gia đình các nghi phạm. “Cái gì sai là sai và cần được giải quyết theo luật pháp”, SCMP dẫn lời bà Eka nói.
KPPAD nắm được thông tin từ nạn nhân rằng cảnh sát tỉnh Nam Pontianak đã đề xuất hòa giải và đề nghị nạn nhân tới đồn cảnh sát để gặp các nghi phạm.
“Chúng tôi có mặt tại đây để hỗ trợ nạn nhân và sau khi biết được về ý định hòa giải, chúng tôi cho rằng đó là việc không nên diễn ra. Với những kẻ tấn công, cần có biện pháp răn đe để ngăn chúng không lặp lại hành động tương tự”, bà Eka nói thêm.
Một video được tải lên Instagram quay cảnh các nghi phạm cảm thấy “đang xả hơi” tại đồn cảnh sát đã thổi bùng thêm sự giận dữ. Một kẻ trong nhóm hành hung được cho là con của một gia đình giàu có quan hệ với cảnh sát.
Nhà báo Indonesia Febriana Firdaus chuyên viết về nhân quyền và các vấn đề của phụ nữ, cho rằng phong trào này là sự tiếp nối của người Indonesia nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân (bị bạo hành, quấy rối tình dục, đặc biệt liên quan tới phụ nữ), vốn bắt đầu sau khi một sinh viên tại Đại học Gadjah Mada bị bạn học cưỡng hiếp.
Nhà báo Firdaus tin rằng vấn đề nằm ở cơ quan thực thi luật pháp của Indonesia.“Chúng tôi không tin rằng họ có thể giải quyết vụ việc một cách công bằng. Mọi người… đang làm bất kể điều gì mà họ nghĩ là sẽ không để vụ Audrey chìm xuồng”, cô nói.