“Thủ tướng Ahmed được vinh danh vì những nỗ lực trong việc đạt được hòa bình và hợp tác quốc tế, đặc biệt là sáng kiến mang tính quyết định của ông nhằm giải quyết xung đột biên giới với Eritrea”, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen hôm nay (11/10) thông báo.
Ethiopia và Eritrea, hai quốc gia thù địch nhiều năm với việc đối đầu nhau trong cuộc chiến tranh biên giới từ năm 1998 đến năm 2000, đã khôi phục quan hệ vào tháng 7/2018.
Ở tuổi 43, ông Abiy là người đứng đầu chính phủ trẻ nhất ở châu Phi.
Giải thưởng cũng đồng nghĩa việc công nhận nỗ lực của tất cả các bên liên quan làm việc vì hòa bình và hòa giải ở Ethiopia và ở các khu vực Đông và Đông Bắc Phi, Chủ tịch Ủy ban Nobel nói thêm.
“Chiến thắng và sự công nhận này là một chiến thắng tập thể cho tất cả người dân Ethiopia, và lời kêu gọi củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc biến Etiopia - chân trời mới của hy vọng - thành một quốc gia thịnh vượng cho tất cả mọi người”, Reuters dẫn thông báo từ văn phòng thủ tướng Abiy cho hay.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 4/2018, ông Abiy Ahmed đã công bố một loạt cải cách nhằm thay đổi căn bản đất nước của khoảng 100 triệu người.
Từ tự do hóa một phần nền kinh tế do nhà nước kiểm soát đến việc chỉnh đốn quy mô lớn các lực lượng an ninh đã giúp liên minh cầm quyền duy trì sự kiểm soát chặt chẽ kể từ năm 1991, những lời hứa của ông Abiy đã làm tăng niềm tin trong nước và nước ngoài.
Thành tích mang tính bước ngoặt của ông Abiy cho đến nay là bảo đảm hòa bình với nước láng giềng Eritrea.
Giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (hơn 900.000 USD) sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12, kỷ niệm ngày mất của ông Alfred Nobel, nhà sáng lập giải thưởng này thông qua di chúc năm 1895.
Trong khi phần lớn các giải Nobel ở các lĩnh vực khác như Y học, Hóa học, Vật lý được trao tại Thụy Điển và do một ủy ban của Thụy Điển quyết định, người hoặc tổ chức được xét trao giải Nobel Hòa bình sẽ được quyết định bởi Ủy ban Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra.