Tuy nhiên, các nhà khoa học trấn an nguy cơ các mảnh nhỏ của trạm không gian dài 12m, nặng 8,5 tấn rơi xuống khu vực đông dân cư là rất thấp, chỉ 1/1 nghìn tỷ vì chúng có thể bị đốt cháy trong khí quyển khi quay trở lại Trái đất.
Trong khi đó, một số nhà khoa học không chắc chắn hoàn toàn về nguy cơ trạm Thiên Cung-1 gây ảnh hưởng tới con người khi rơi xuống Trái đất. Alan Duffy, nghiên cứu sinh ở Trung tâm Vật lý thiên văn và Siêu máy tính ở Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, cho rằng, bởi Trung Quốc giữ kín thông tin về trạm vũ trụ khiến việc đánh giá mức độ rủi ro gặp khó khăn.
Một bài viết của Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ Không gian Trung Quốc đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho hay: “Mọi người không cần quá lo lắng khi trạm vũ trụ quay về Trái đất. Nó sẽ không đâm xuống Trái đất một cách kinh khủng như trong kịch bản khoa học viễn tưởng, nhưng sẽ giống một trận mưa sao băng”.
Tín hiệu mới nhất về trạm Thiên Cung-1 đã được Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Malaysia (Angkasa) ghi nhận vào hôm 30/3. Theo Angkasa, một vệt sáng lớn xuất hiện trong 81 giây trên bầu trời Malaysia vào khoảng 3h19 phút (giờ địa phương) khi Thiên Cung-1 rơi từ độ cao 182.462 km xuống 182.407 km.
Đây không phải là lần đầu tiên các mảnh vỡ từ trạm vũ trụ không gian rơi xuống Trái đất bởi vào năm 2001, trạm Mir nặng 135 tấn của Nga rơi có kiểm soát, với phần lớn các bộ phận bị đốt cháy trong quá trình đi qua bầu khí quyển, phần còn lại rơi xuống biển.
Trạm Thiên Cung-1 được phóng lên vũ trụ vào tháng 9/2011 và là mẫu thử nghiệm cuối cùng cho mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ nặng 20 tấn hoạt động vĩnh viễn trên quỹ đạo mà Trung Quốc dự kiến ra mắt vào năm 2022.
Tuy nhiên, tháng 5/2017, chính phủ Trung Quốc cho hay, trạm Thiên Cung-1 của họ “ngừng hoạt động” vào tháng 2/2016 mà không nói rõ nguyên nhân. Tháng 9 năm đó, Trung Quốc tiếp tục phóng trạm Thiên Cung-2 vào quỹ đạo.