Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Vòng quanh thế giới

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19

Blessing và Sheryl Jossy muốn tổ chức một đám cưới hoành tráng ở ba thành phố. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến mọi kế hoạch của cặp đôi bị “phá sản”.

Blessing và Sheryl Jossy yêu nhau từ thời đại học, sống ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ, đã lên kế hoạch bắt đầu bằng một đám cưới kéo dài nhiều ngày, trước khi bay đến miền nam để tổ chức hai bữa tiệc nữa với sự góp mặt của gia đình Blessing. Nhìn chung, cặp đôi mong đợi khoảng 1.000 khách.

"Đám cưới của chúng tôi ban đầu giống như một ban nhạc rock đi lưu diễn", Blessing nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 1
Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới những đám cưới xa hoa ở Ấn Độ.

Đám cưới là sự kiện quan trọng ở mọi quốc gia trên thế giới, nhưng ở Ấn Độ, nó còn là một hiện tượng văn hóa. Các cặp đôi thường tổ chức các sự kiện xa hoa kéo dài cả ngày cho hàng trăm khách mời, có địa điểm cầu kỳ, trang phục phức tạp, đồ trang trí lộng lẫy và đặc biệt là rất nhiều vàng, được coi là may mắn. Hôn lễ được tổ chức trong các cung điện cho thuê, chú rể bước xuống từ lưng ngựa và sân khấu được dựng lên để mọi người cùng khiêu vũ.

Đám cưới cũng là cơ hội để các gia đình khẳng định địa vị, đến mức ngành công nghiệp cưới của Ấn Độ, được báo cáo trị giá khoảng 50 tỷ USD mỗi năm, hiện thuộc hàng lớn nhất thế giới. Đám cưới đặc biệt phổ biến vào thời gian này trong năm, vì những tháng mùa đông được coi là điềm lành trong lịch Hindu.

Nhưng khi đại dịch Covid-19 càn quét Ấn Độ, quốc gia đã ghi nhận hơn 9,6 triệu ca lây nhiễm, các cặp đôi như Jossys đã buộc phải đưa ra quyết định khó khăn về việc có nên tiếp tục tổ chức hay hủy luôn đám cưới.

Cuối cùng, Blessing và Jossys kết hôn vào tháng 11 - chậm hơn 7 tháng so với kế hoạch ban đầu, trong một buổi lễ thân mật chỉ với 80 khách mời. Nó khác xa so với "tour du lịch" mà họ từng mong đợi.

Đám cưới phải thích nghi với Covid-19

Mặc dù Ấn Độ thông báo số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai trên thế giới, các cặp đôi vẫn kết hôn. Một số còn muốn nhanh chóng tổ chức cưới bởi lo lắng rằng năm 2021 sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 2
Một chú rể phải đeo khẩu trang trong đám cưới.

Nhưng những đám cưới bị hạn chế rất nhiếu, danh sách khác mời được giảm bớt, những nghi lễ kéo dài trong khoảng 5 hoặc 6 ngày, giờ được thu hẹp lại, thường chỉ là một lễ cưới nhỏ. Điều này dẫn đến câu hỏi, liệu những đám cưới xa hoa, hay còn được gọi là “Big Fat Weddings” có còn là “thương hiệu” ở Ấn Độ?

Chẳng hạn, gia đình Jossys đã bỏ qua một trong những truyền thống hôn nhân nổi tiếng nhất của Ấn Độ: "sangeet", một bữa tiệc trước đám cưới nơi hai gia đình biểu diễn cho nhau, thường là khiêu vũ theo phong cách Bollywood. Trong những năm gần đây, nghi lễ này ngày càng trở nên phức tạp. Nữ ca sĩ người Mỹ Beyoncé từng biểu diễn tại sangeet của Isha Ambani, con gái tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, vào năm 2018.

Các truyền thống khác cũng đang bị bỏ qua. Ví dụ, nếu không có Covid-19, Ramesh Atri, thợ kim hoàn có tiếng ở Punjab cho biết ông sẽ đi từng nhà để mời hàng xóm và họ hàng đến dự đám cưới của cậu con trai duy nhất Sahil.

Nhưng năm nay, nghi thức thông thường là gửi lời mời trực tiếp ("một cách để bắt đầu lễ hội", theo Ramesh) đã được thay thế bằng một thứ kém lãng mạn hơn nhiều: thiệp điện tử.

"Đó là điều không hạnh phúc cho lắm," Ramesh nói.

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 3
Reetika Bharadwaj và Sahil Atri, trong một buổi chụp hình trước đám cưới, đã cắt danh sách khách mời xuống còn 200 người.

Danh sách khách mời của Sahil và vị hôn thê Reetika Bharadwaj đã giảm xuống còn 200 người - một phần ba so với con số ban đầu, và mức tối đa được phép theo hướng dẫn của chính phủ ở Chandigarh, thành phố quê hương của chú rể. 

Khách mời tham dự đám cưới được yêu cầu đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và giữ khoảng cách an toàn cho phép.

An toàn là trên hết

Khi các cặp đôi chọn tổ chức đám cưới với quy mô nhỏ hơn, ngắn ngày hơn, đồng nghĩa chi phí cũng giảm đi rất nhiều.

Khi Ujwala Acharya kết hôn với Pratik Kawale ở Mumbai vào tháng 11, cô đã chi 500.000 rupee Ấn Độ (6.800 USD) cho một buổi lễ dành cho 50 khách, số người tối đa được phép vào sảnh cưới mà họ đã chọn vào thời điểm đó. 

Đó là một phần nhỏ trong đám cưới 2,5 triệu rupee Ấn Độ (34.000 USD) mà cô đã lên kế hoạch cho 600 khách ở Mumbai, tiếp theo là tiệc chiêu đãi 1.000 ở Alibaug, quê hương của Kawale gần đó. Địa điểm sang trọng mà Ujwala và Kawale muốn đặt tạm thời đóng cửa do Covid-19, vì vậy họ đã đổi nó sang một địa điểm rẻ hơn - một hội trường trong ngôi đền địa phương - và chi phí cho đồ ăn cũng giảm do danh sách khách mời ít hơn. 

Điều quan trọng nhất trong đám cưới ở thời điểm này chính là sự an toàn. Mukta Kapoor, giám đốc công ty tổ chức đám cưới Yuna Weddings có trụ sở tại Delhi, cho biết công ty của cô yêu cầu tất cả nhân viên làm việc tại các sự kiện phải xét nghiệm Covid-19. Khách mời cũng được bố trí một lối đi riêng, được khử khuẩn trước khi bước vào hôn lễ, Kapoor nói thêm.

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 4
Một cặp đôi sử dụng nước rửa tay sau lễ cưới của họ ở Pune, Ấn Độ, vào tháng Năm.

Theo Mehak Sagar, người đồng sáng lập dịch vụ tổ chức đám cưới trực tuyến WedMeGood, một số cặp đôi đã chọn món được chế biến theo set thay vì tiệc buffets, hoặc phát trực tiếp đám cưới của họ để những người không thể tham dự có thể tham gia.

Những đám cưới được tổ chức ở một địa điểm ngoài quê hương của cô dâu, chú rể, vốn ngày càng phổ biến trước đại dịch Covid-19, đã bị “xóa sổ hoàn toàn”.

“Tôi không biết có còn ai vẫn đang lên kế hoạch cho một đám cưới diễn ra ở nơi xa hoa, tráng lệ hay không”, Kapoor nói. Trước đại dịch, những địa điểm lộng lẫy vốn phục vụ cho các đám cưới xa hoa chiếm 10 đến 20% doanh thu ngành công nghiệp cưới của Ấn Độ trước đại dịch.

Bây giờ, các gia đình chọn những địa điểm trong khoảng cách có thể di chuyển dễ dàng bằng xe hơi, hoặc đặt toàn bộ khách sạn để biết chính xác những khách mời có mặt.

Kapoor nói rằng một trong những khách hàng của cô dự định tổ chức đám cưới ở Goa, với những khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng, nhưng thay vào đó họ đã chọn tổ chức đám cưới tại một trong những trang trại của bạn bè sau khi Covid-19 bùng phát.

Một năm ảm đạm cho người lao động

Khi các cặp vợ chồng hoãn hoặc giảm quy mô đám cưới xa hoa của họ, các ngành công nghiệp xung quanh cũng bị ảnh hưởng.

Các chủ địa điểm và công ty trang trí nằm trong số những người bị ảnh hưởng khá nặng nề. Ít khách hơn có nghĩa là họ kiếm được ít hơn cho mỗi đám cưới. Một trong những công ty như vậy là Ferns N Petals, một cửa hàng bán lẻ hoa và quà tặng, cũng đồng thời điều hành những địa điểm tiệc cưới lớn.

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 5
Đám cưới ở Ấn Độ thường diễn ra trong rất nhiều ngày.

Người sáng lập Vikaas Gutgutia cho hay: “Chúng tôi đã phá sản. Chúng tôi không ở trong tình trạng tài chính tốt. Đó là một năm rất ảm đạm đối với chúng tôi."

Trong khi đó, người bán hoa ở Delhi, Soumitra Patnaik, cho biết số lượng đặt hoa trước đám cưới của anh ấy giảm 90% so với mọi năm và cũng không còn cầu kỳ như trước.

Trước đây, khách hàng thường yêu cầu những cổng vòm bằng hoa cần đến 25 người trang trí. Nhưng lễ cưới đơn giản hơn, việc cắm hoa giờ đây cũng chỉ cần đến vài người sắp đặt.

Vì vậy, kinh tế của Patnaik và gia đình ngày càng eo hẹp. Patnaik không chắc liệu anh có đủ khả năng trang trải học phí cho hai đứa con của mình trong năm nay hay không.

Trong khi các công ty lớn có thể vượt qua cơn bão, những người lao động làm việc bán thời gian trong ngành này, như Chinmoy Kumar, thường bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Trong suốt mùa cưới mùa hè và mùa đông, ông bố hai con rời nhà ở Kolkata để đến Delhi, nơi thường tổ chức các đám cưới quy mô và sang trọng. Kumar có thể kiếm khoảng 15.000 rupee một tháng (203 đô la) khi làm những công việc lặt vặt như dọn bàn ăn, trang trí và xây dựng cung điện.

Năm nay đã khác. 

Kumar là trụ cột gia đình duy nhất trong gia đình với cha mẹ, vợ, em trai và hai con gái cho biết: "Trong 8 tháng qua, chúng tôi chỉ ngồi ở nhà. Công việc hoàn toàn ngừng lại".

Kumar bây giờ đang kiếm sống tại một công trường xây dựng địa phương, công việc đòi hỏi sức khỏe cao hơn và tính chất nguy hiểm hơn. Kumar chỉ kiếm được khoảng 3.000 rupee (41 USD) mỗi tháng. Con gái út 5 tuổi đang đi học, nhưng lương giảm đồng nghĩa với việc anh không thể đóng học phí.

"Mặc dù tôi đang làm việc, nhưng chỉ có thể đủ tiền ăn", Kumar buồn bã nói.

Tương lai của “Big Fat Weddings'?

Chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch Covid-19 sẽ chấm dứt, thời đại của những đám cưới xa hoa ở Ấn Độ có thể đã kết thúc ngay bay giờ. Nhưng với một số cặp đôi, đây có thể là tín hiệu đáng mừng.

Theo truyền thống, những người họ hàng, bà con thân thích thậm chí còn quan trọng hơn cả cô dâu và chú rể trong đám cưới. Các cặp vợ chồng thường phải mời cả những người họ hàng xa, bạn bè của ông bà, cha mẹ mà họ thậm chí còn không cảm thấy có một mối liên hệ cá nhân nào.

Vì vậy, quy mô đám cưới bị thu hẹp có thể là một “cú đánh” với những thành viên lớn tuổi trong gia đình, nhưng lại mang đến một không gian đám cưới thân mật, ấm cúng hơn, giúp các cặp đôi kiểm soát tốt hơn, theo Mehak Sagar, người đồng sáng lập dịch vụ tổ chức đám cưới trực tuyến WedMeGood.

"Ngành công nghiệp cưới đang hướng tới một nơi mà cô dâu và chú rể có nhiều tiếng nói hơn trong đám cưới của họ," Sagar nói và cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều cặp đôi quan tâm đến việc có một danh sách khách mời ít hơn chỉ với những người bạn thân nhất của họ. "Đối với rất nhiều người, đây là một cái cớ tuyệt vời để không phải mời nhiều người đến vậy."

Những đám cưới siêu hoành tráng 'phá sản' vì đại dịch Covid-19 Ảnh 6
Một chú rể giữ khoảng cách an toàn khi nói chuyện với cô dâu và các thành viên gia đình sau đám cưới ở Pune. 

Với Blessing Jossy, không được tổ chức đám cưới ở ba thành phố mang đến một chút hụt hẫng, bởi không phải là một đám cưới xa hoa mà anh đã hình dung ban đầu. Nhưng cuối cùng, Blessing lại ấn tượng với không khí ấm cúng khi ngày vui của anh có sự hiện diện của những người thân thiết nhất. 

Tất nhiên, những người làm trong ngành công nghiệp đám cưới ở Ấn Độ không muốn “Big Fat Weddings” biến mất vĩnh viễn. Người sáng lập của Ferns N Petals, Gutgutia thậm chí còn dự đoán rằng, sau đại dịch, các đám cưới sẽ còn trở nên xa hoa hơn.

"Một khi mọi người được giải phóng, đám cưới sẽ trở nên hoành tráng hơn. Họ có thể sẽ làm điều đó theo cách lớn hơn nhiều so với những gì họ làm", Gutgutia nói.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trang Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất