Trong năm 2018, cứ cách vài tuần, cả thế giới lại phải chứng kiến cảnh tang thương khi những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, sóng thần, hạn hán,... ập đến.
Trong năm 2018, các thảm họa thiên nhiên diễn ra với tốc độ leo thang, hoành hành khắp nơi trên thế giới. Chỉ cách vài tuần ngắn ngủi, thế giới lại phải chứng kiến một trận động đất, sóng thần cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người hay siêu bão, lũ lụt gây ập úng trên diện rộng hoặc trận cháy rừng thiêu rụi hàng nghìn ngôi nhà,…
Dưới đây là một số thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất trên thế giới trong năm 2018:
Ngày 3/5: Núi lửa phun trào ở Hawaii
Video: Nham thạch bò ra đường ở Hawaii
Ngày 3/5, núi lửa Kilauea, Hawaii bắt đầu phun trào tạo ra cột tro bụi và khói cao hơn 9.000 m trên bầu trời đảo Hawaii. Nguyên nhân khiến núi lửa Kilauea phun trào là do trận động đất mạnh 6,9 độ Richter diễn ra trước đó vài ngày. Đây được coi là trận động đất lớn nhất ở Hawaii từ năm 1975. Không chỉ vậy, trong 24h tiếp theo, tại khu vực này còn xảy ra thêm 142 trận động đất lớn nhỏ khác.
Vụ phun trào núi lửa từ ngày 3/5 đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, hàng nghìn người phải sơ tán. Dung nham đã nhấn chìm một khu vực với diện tích khoảng 20 km2. Không chỉ vậy, ngày 17/7, một quả “bom nham thạch” bắn ra từ núi lửa Kilauea đã rơi trúng một tàu du lịch làm 23 người bị thương.
Ngày 3/6: Núi lửa phun trào ở Guatemala, khoảng 200 người thiệt mạng
Vào khoảng 15h ngày 3/6, núi lửa Fuego ở Guatemala bắt đầu phun trào, phóng ra một lượng lớn khói bụi và cột tro cao 4.500 m. Đây là vụ phun trào dữ dội nhất của núi lửa Fuego trong 4 thập kỷ qua.
Vụ phun trào này đã khiến khoảng 200 người ở Guatemala thiệt mạng, hơn 100 người mất tích. Bên cạnh đó, thảm họa thiên nhiên này đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 1,7 triệu người, hơn 12.000 người phải đi sơ tán và 3.300 người bị mất nhà cửa.
Đầu tháng 7: Nắng nóng kỷ lục ở Canada, 33 người chết
Đợt nắng nóng kinh hoàng tại phía nam tỉnh Quebec, Canada diễn ra trong 6 ngày liên tục từ ngày 29/6 tới ngày 5/7. Nhiệt độ ở thành phố Montreal đạt 93 độ F (34 độ C) vào hôm 4 và 5/7. Bên cạnh đó, vòm nhiệt khổng lồ và dai dẳng còn bao trùm tại các khu vực phía Đông Bắc Mỹ với nhiệt độ và độ ẩm cực đoan làm nên các kỷ lục như 40,5 độ C ngày 28/6 tại Colorado (Mỹ) và 36,6 độ C ngày 2/7 tại Canada.
Theo các quan chức y tế Canada, đợt nắng nóng kinh hoàng đã khiến 33 người chết.
Tháng 7: Mưa lũ tại Nhật Bản, 219 người thiệt mạng
Vào đầu tháng 7, Nhật Bản phải hứng chịu đợt mưa lịch sử gây ra lũ lụt nặng nề, lở đất kèm theo gió mạnh.Tính đến hết ngày 16/7, tổng số người thiệt mạng do mưa lũ và lở đất tại Nhật Bản đã tăng lên thành 225 người, ít nhất 13 người mất tích.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu do mưa lũ là ít nhất 48 tỷ Yên (gần 428 triệu USD). Khoảng gần 5.000 người phải sơ tán tạm thời trong các trung tâm ở 16 điểm khác nhau.
Ngay sau trận mưa lũ lịch sử, Nhật Bản lại tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt bất thường, khi nhiệt độ lên đến 41,1 độ C tại thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama. Trận nắng nóng kỷ lục khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 12.000 người nhập viện.
Ngày 23/7: Cháy rừng ở Hy Lạp, 83 người tử vong
Khoảng 17h ngày 23/7, một vụ cháy rừng bùng phát tại thị trấn Rafina, Hy Lạp. Sau đó, ngọn lửa nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mati, cách thủ đô Athens 29 km về phía đông bắc. Trước khi vụ hỏa hoạn này xảy ra, khu dân cư bên bờ biển Kineta, phía tây Athens cũng bị cháy.
Hai vụ cháy rừng đã khiến ít nhất 83 người thiệt mạng, 164 người bị thương, hơn 500 ngôi nhà bị phá hủy. Phần lớn những người thiệt mạng được tìm thấy trong nhà hoặc trong ô tô tại khu nghỉ dưỡng Mati.
Tháng 8: Lũ lụt tại Ấn Độ, hơn 1.000 người chết
Vào đầu tháng 8, mưa không ngớt tại 6 bang trên khắp Ấn Độ suốt 2 tuần kéo theo lũ quét và sạt lở đã cướp đi tính mạng của 1.019 người, trong đó bang Kerala chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi số người chết là 324 (số liệu tính đến cuối ngày 17/8).
Lũ lụt đã cuốn trôi hàng nghìn ngôi nhà, hơn 310.000 người tại bang Kerala buộc phải sơ tán. Đây được coi trận lũ lụt và lở đất tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua ở Ấn Độ.
Tháng 8: Hạn hán tại Australia
Trong năm 2018, Australia phải hứng chịu một trận hạn hán kéo dài, không chỉ khiến nông dân Australia mất vụ mùa mà còn phải chật vật tìm cách nuôi sống gia súc. Nguồn cung thức ăn gia súc khan hiếm khiến nông dân Australia buộc phải đến các bang khác để mua với giá cắt cổ.
New South Wales là bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong vụ hạn hán này khi 100% lãnh thổ toàn bang được xác nhận là bị ảnh hưởng. Người dân Australia cho biết, đây là trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây.
Ngày 14/9: Bão Florence ở Bắc và Nam Carolina, ít nhất 53 người thiệt mạng
Bão Florence là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm trở lại đây tại Mỹ. Bão đổ bộ vào khoảng 7h15 ngày 14/9 tại Wilmington, bang North Carolina rồi dần dần suy yếu thành cơn bão nhiệt đới. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, lượng mưa lên tới 1 m ở nhiều khu vực, gây ra tình trạng ngập lụt kéo dài.
Trận bão khiến ít nhất 53 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 370.000 người tại Bắc và Nam Carolina, Mỹ hoàn toàn sống trong tình trạng bị cắt điện.
Ngày 28/9: Thảm họa kép động đất - sóng thần ở Indonesia, hơn 1.600 người chết
Vào ngày 28/9, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã làm rung chuyển ngoài khơi bờ biển đảo Sulawesi của Indonesia. Trận động đất đã tạo ra cột sóng thần cao tới 6 m, gây nhiều thương vong, phá hủy nhiều khu vực tại Indonesia, đặc biệt là thành phố Palu.
Tính tới ngày 7/10, số người chết trong thảm họa kép đã tăng lên đến 1.649 người, hàng trăm người vẫn còn mất tích, 66.000 nhà cửa và nhiều công trình bị phá hủy. Không chỉ vậy, hai ngôi làng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất ở Palu là Balaroa và Petobo đã bị xóa sổ hoàn toàn khỏi vệ tinh, khi hiện tượng đất hóa lỏng gần như nuốt chửng cả hai ngôi làng.
Ngày 8/11: Cháy rừng ở California, hơn 60 người thiệt mạng, 630 người mất tích
Vào đêm 8/11, rừng Camp Fire tại phía Bắc chân dãy núi Sierra Nevada ở California, Mỹ bắt đầu bùng cháy và kéo dài trong nhiều ngày. Vụ cháy rừng thiêu trụi khu vực rộng 570 km2, phá hủy hơn 11.860 công trình và nhà cửa. Trong đó, thị trấn Paradise là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất khi gần 80% diện tích đất và gần 9.000 ngôi nhà đã bị thiêu trụi.
Vụ cháy rừng ở California cướp đi ít nhất 88 sinh mạng, khoảng 600 người mất tích. Chính phủ Mỹ tuyên bố, đây là trận cháy nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang California và hàng tháng sau khi trận cháy kết thúc, công cuộc dọn dẹp và khôi phục vẫn đang tiếp diễn.
Ngày 22/12: Sóng thần ở Indonesia, 429 người thiệt mạng
Rạng sáng 23/12, một trận sóng thần bất ngờ tấn công vào bờ biển ở khu vực Eo biển Sunda của Indonesia. Giới chức Indonesia cho rằng, nguyên nhân gây ra sóng thần là do hiện tượng thủy triều dâng bất thường vì trăng tròn đêm 22/12 cộng với lở đất dưới nước do phun trào từ đỉnh Anak Krakatoa.
Tính tới thời điểm hiện tại (ngày 26/12), vụ sóng thần đã khiến 429 người thiệt mạng, 1.485 người bị thương, 154 người mất tích và con số này vẫn còn tiếp tục tăng lên. Hoạt động tìm kiếm những người mất tích và cứu hộ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, khi nỗi đau này chưa qua, người dân Indonesia lại đang nơm nớp lo sợ một trận sóng thần khác đang chuẩn bị ập tới.