Với hơn 260 triệu ca mắc và 5,2 triệu ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới khi chúng ta bước vào năm thứ ba của đại dịch, rõ ràng là cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Hầu hết tất cả các loại vaccine hiện nay dựa trên bộ gen của chủng virus đầu xuất hiện ở Vũ Hán vẫn giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid, bao gồm cả biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn, hiện chiếm hơn 99% đại dịch trên toàn thế giới.
Nhưng làn sóng thứ tư khốc liệt gần đây ở các nước châu Âu, nơi hơn 2/3 dân số được tiêm chủng đầy đủ, và sự gia tăng số ca mắc ở Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.
Có một thực tế đáng tiếc là nhiều quốc gia giàu có dự trữ nhiều vaccine hơn mức họ có thể sử dụng. Khoảng 8 tỷ mũi tiêm đã được thực hiện, nhưng vẫn còn một khoảng cách không thể chấp nhận được giữa các nước giàu và nghèo. Ví dụ, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở nhiều quốc gia ở Châu Phi vẫn ở mức dưới 10%.
Vaccine dựa trên protein tái tổ hợp
Việc Indonesia phê duyệt khẩn cấp vaccine dựa trên protein đầu tiên do Novavax phát triển là một tin đáng hoan nghênh. Không giống như các nền tảng chưa từng được sử dụng trước đây của vaccine mRNA và vectơ virus, công nghệ dựa trên protein tái tổ hợp được thử nghiệm theo thời gian và được sử dụng rộng rãi cho nhiều bệnh do virus gây ra.
Vaccine gốc protein, mặc dù phát triển chậm, nhưng ổn định hơn ở nhiệt độ cao hơn, dễ mở rộng quy mô, hiệu quả chi phí cao, an toàn và hiệu quả. Vaccine của Novavax đã cho thấy hiệu quả hơn 90% trong một thử nghiệm lớn ở giai đoạn 3.
Một số vaccine dựa trên protein khác đang chờ được phê duyệt bao gồm vaccine của Biological E (Ấn Độ), Clover Biosciences (Trung Quốc), S K Biosciences (Hàn Quốc) và Sanofi/GSK (Pháp/Anh). Điều quan trọng là, các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại vaccine này đã được thực hiện khi biến thể Delta xuất hiện đã được đưa vào sử dụng.
Hồ sơ an toàn vượt trội của các loại vaccine trên sẽ giúp giải quyết những vấn đề còn do dự nào. Bên cạnh những ưu điểm về khả năng tiếp cận và khả năng chi trả, những loại vaccine sử dụng protein tái tổ hợp sẽ là ứng cử viên lý tưởng cho các chiến lược kết hợp và tiêm chủng tăng cường. Người ta hy vọng rằng Ấn Độ sẽ trở thành nhà cung cấp chính các loại vaccine dựa trên protein từ Biological E và Viện Huyết thanh của Ấn Độ.
Hy vọng về phương pháp trị liệu mới
Việc tìm kiếm phương pháp điều trị đã được bắt đầu sớm ngay thời gian đầu của đại dịch. Một số thuốc chống virus, nhiễm trùng và chống viêm đã được thử nghiệm lâm sàng, nhưng chỉ một số ít, bao gồm cả Remdesivir, được chấp thuận sử dụng. Tuy nhiên, các loại thuốc này vẫn cần sử dụng cẩn trọng ở những bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Và việc nguồn cung hạn chế, chi phí cao và hiệu quả vừa phải đã làm hạn chế tác động của chúng.
Thông báo gần đây về dữ liệu thử nghiệm hai loại thuốc kháng virus riêng biệt của Merck và Pfizer đã làm dấy lên hy vọng điều trị dễ dàng cho bệnh Covid nặng. Cả Molnupiravir từ hãng Merck - đã được phê duyệt để sử dụng ở Anh vào ngày 4/11 - và Paxlovid của Pfizer đều là những viên thuốc dựa trên các phân tử nhỏ có thể dễ dàng sản xuất ở quy mô lớn. Hơn nữa, chúng có thể được bảo quản và phân phát tại các hiệu thuốc và dùng tại nhà.
Merck cho biết Molnupiravir ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện khoảng 50%; Theo Pfizer, Paxlovid ngăn ngừa nhập viện 89%, hiệu quả hơn so với Molnupiravir.
Một chu trình điều trị năm ngày với Molnupiravir cần 40 viên thuốc; Paxlovid cần 30, cùng 10 viên thuốc Ritonavir. Cả hai công ty đều tuyên bố thuốc của họ là an toàn, nhưng một số đối tượng như phụ nữ mang thai không dùng được.
Nhiều câu hỏi liên quan đến hồ sơ an toàn, hiệu quả trong các quần thể và sự phát triển của virus kháng thuốc chỉ có thể được trả lời sau khi những loại thuốc này được triển khai dùng trên quy mô lớn.
Kết quả các thử nghiệm lâm sàng sẽ cần phải được giữ nguyên trong tình hình thực tế. Trong khi Merck đã nói hiệu quả của Molnupiravir có thể thấp hơn những gì đã được công bố vào tháng 10.
Cả Merck và Pfizer đã đồng ý cung cấp thuốc cho các nước nghèo với giá thấp hơn, đồng thời công bố các hợp đồng riêng với Tổ chức Bằng sáng chế Y học, một tổ chức phi lợi nhuận do Liên hợp quốc hỗ trợ, theo đó thuốc có thể được sản xuất và bán với giá rẻ hơn ở các nước nghèo và thu nhập thấp. . Tuy nhiên, các quốc gia giàu có như Anh, Mỹ và Úc đã đặt hàng với số lượng lớn khiến nhiều nơi trên thế giới có thể phải đợi nguồn cung cấp ổn định cho những loại thuốc này. Tình hình này giống việc cung cấp vaccine.
Ngoài ra, vì những viên thuốc uống này cần phải được sử dụng sớm trong chu kỳ lây nhiễm, nên cơ sở hạ tầng kiểm tra chất lượng và kịp thời sẽ cần phải đảm bảo. Điều này có thể gây ra thách thức cho các nước nghèo hơn. Nhưng sau khi có nhiều loại vaccine hiệu quả, việc bổ sung thuốc uống làm thuốc điều trị sẽ là một công cụ khoa học quan trọng khác trong việc kiểm soát đại dịch.
Mối đe dọa từ Omicron
Sự xuất hiện của biến thể B.1.1.529 Omicron, vốn có khả năng lây nhiễm cao và chứa một số lượng lớn các đột biến trong protein gai, đã đưa Covid-19 trở về thời điểm căng thẳng.
Mặc dù có vẻ như Omicron đã lây lan nhanh chóng ở Nam Phi và các nước lân cận, nhưng khả năng lây nhiễm và khả năng thoát khỏi các phản ứng miễn dịch do vaccine gây ra vẫn chưa được xác định chính xác. Phản ứng hoảng sợ của một số nước phương Tây trước sự xuất hiện của nó dường như rất phóng đại.
Một biến thể đáng lo ngại trước đó, cũng được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 9 năm 2020 là Beta được chứng minh là có khả năng lây nhiễm cao và có khả năng thoát khỏi một phần các phản ứng miễn dịch, nhưng nó đã không lây lan rộng rãi.
Thực tế là hầu hết các vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.
Tuy nhiên, chúng ta phải luôn thận trọng và chuẩn bị tốt để đối phó với mọi tình huống do Omicron gây ra. Virus là vô hình và không phân biệt ranh giới quốc tế. Tất cả các công cụ khoa học và sự can thiệp để kiểm soát đại dịch phải được chia sẻ công bằng giữa các nước.
Cách tốt nhất để đối phó với Omicron là quay lại những quy tắc phòng dịch cơ bản như khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh. Điều quan trọng là các nhà khoa học cần đẩy nhanh việc giải trình tự bộ gen.
Vaccine là vũ khí tốt nhất hiện tại để chống lại virus, do đó, các đợt tiêm chủng nên tiếp tục diễn ra.