Nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời, nhưng không đủ gần với hành tinh của chúng ta để che khuất hoàn toàn ánh sáng Mặt trời. Hiện tượng này xảy ra hàng năm hoặc hai năm một lần, và chỉ có thể được quan sát từ những khu vực thuộc dải hẹp ở Trái đất.
Nhật thực hình khuyên là một dạng hiếm gặp, xảy ra khi toàn bộ Mặt trăng đi vào vùng đĩa sáng của Mặt trời nhưng do sai lệch về khoảng cách nên nó không thể che hết toàn bộ. Phần đĩa sáng của Mặt trời không bị che khuất sẽ có dạng một vòng tròn ánh sáng bao xung quanh Mặt trăng.
Nhật thực hình khuyên hôm nay trùng với hạ chí – ngày dài nhất trong năm khi cực bắc Trái đất nghiêng về phía Mặt trời.
Nhật thực sẽ được quan sát thấy đầu tiên chỉ vài phút sau khi mặt trời mọc ở phía đông bắc Cộng hòa Congo, gồm thủ đô Brazzaville. Nhật thực sẽ kéo dài 1 phút và 22 giây và đạt cực đại khi quầng sáng Mặt trời bao quanh Mặt trăng ở Uttarakhand gần biên giới Ấn Độ với Trung Quốc ngay sau giữa trưa. Pha cực đại sẽ chỉ kéo dài trong 38 giây.
Nhật thực hình khuyên hình khuyên có thể được nhìn thấy ở khoảng 2% bề mặt Trái đất, theo Florent Delefie, nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Paris. “Nó hơi giống việc chuyển bóng đèn 500 watt sang bóng đèn 30 watt”.
Nhà vật lý thiên văn Fred Espenak cho hay, thời tiết tốt là chìa khóa để theo dõi nhật thực thành công. “Quan sát nhật thực ngắn hơn từ một bầu trời trong xanh tốt hơn là xem nhật thực lâu ở bầu trời đầy mây”.
Nhật thực lần tiếp theo năm 2020 sẽ được quan sát ở khu vực Nam Mỹ vào ngày 14/12. Nhưng vì Mặt trăng sẽ ở gần Trái đất hơn một chút nên nó sẽ ngăn hoàn toàn ánh sáng Mặt trời. Hiện tượng kéo dài dưới 100 phút.
Dù ngày tối lại khi nhật thực xảy ra, việc quan sát nhật thực bằng mắt thường là nguy hiểm. Đeo kính râm vẫn không an toàn vì nó không lọc được tia cực tím. “Mặt trời sáng đến nỗi ngay cả khi có chỉ nhìn thấy một phần nhỏ, nó vẫn nguy hiểm cho mắt”, nhà thiên văn Delefie cho hay. Do đó, khi quan sát nhật thực, bạn cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng.
Tại Hà Nội, nhật thực một phần sẽ bắt đầu vào 13h16 phút, đạt cực đại lúc 14h55 với tỷ lệ che phủ tới 71%, kết thúc vào lúc 16h18. Tỷ lệ này sẽ giảm dần khi đi xuống các tỉnh phía nam. Tại TP.HCM, nhật thực bắt đầu từ 13h37 và đạt cực đại lúc 15h05.