Trước đó, Nhật hoàng Akihito đã phải trải qua một phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt năm 2003 và cuộc phẫu thuật tim 2012. Với tình hình sức khỏe đó, trong năm 2015, Thiên hoàng Akihito đã phải thực hiện 270 nhiệm vụ chính thức, trong đó bao gồm các cuộc gặp gỡ quan chức cấp cao nước ngoài.
Giới quan sát cho rằng việc Nhật hoàng Akihito thoái vị sớm sẽ khiến người dân Nhật Bản bị tổn thương sâu sắc. Giáo sư Jeff Kingston - trưởng khoa châu Á trường Đại học Temple Nhật Bản - nhận xét: “Thiên hoàng Akihoto thực sự được lòng dân chúng. Ông ấy đại diện cho tiếng nói hòa bình và hãy nhìn vào những thành tựu của ông trong việc giải quyết các mối bất hòa từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông ấy đã làm được nhiều điều hơn tất cả các chính trị gia ở Nhật Bản gộp lại trong khẳng định vị thế của quốc gia trong khu vực”.
Ông Akihito là Nhật hoàng từng đi ngược lại nhiều nguyên tắc của Hoàng gia nhưng vẫn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản. Trong suốt thời gian nắm giữ ngai vàng, ông thể hiện mình là sứ giả hòa bình, luôn lên án sự hung hăng của phát xít Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20. Hiện Thái tử Naruhito - người có khả năng nhất lên kế vị - cũng thể hiện mình theo tư tưởng hòa bình giống cha.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Quản trị Hoàng gia từ chối đưa ra lời bình luận, nhưng trước đó trong tháng 5, cục này cũng thông báo Nhật hoàng cùng Hoàng hậu Michiko sẽ hạn chế xuất hiện công khai trước thần dân.
Nhật Bản là quốc gia có chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới, kéo dài suốt 14 thế kỷ. Ông Akihito là thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản và là hậu duệ của thiên hoàng đầu tiên Jimmu từ năm 711 trước Công nguyên. Sinh năm 1933, Thiên hoàng Akihito là hoàng tử kế vị đầu tiên của Nhật Bản cưới một dân thường.
Hiện ngôi vị Thiên hoàng chỉ mang tính biểu tượng và không nắm quyền điều hành đất nước nhưng vẫn luôn nhận được sự tôn kính của người dân.
Theo hiến pháp hiện hành của Nhật Bản, không có điều khoản nào cho phép Nhật hoàng tự ý thoái vị mà phải trị vì đến khi băng hà. Vị hoàng đế cuối cùng thoái vị trong gia đình hoàng tộc tại đất nước Mặt trời mọc là Thiên hoàng Kokaku năm 1817.
Để Nhật hoàng có thể thoái vị, Quốc hội Nhật Bản phải sửa đổi luật Hoàng cung. Đây là một quá trình phức tạp do có thể gây ra những cuộc tranh luận rộng hơn về mối quan hệ giữa hoàng gia và chính phủ, vai trò của Nhật hoàng trong việc quản lí đất nước và việc hình thành các điều luật sau này.
Theo quy định chỉ truyền ngôi cho con trai, Thái tử Naruhito (56 tuổi) sẽ thừa kế ngai vàng. Do Thái tử Naruhito không có con trai nên người thừa kế sau ông sẽ là em trai (tức Hoàng tử Akishino) và con trai ông Akishino (Hoàng tử Hisahito).
Nhiều chính trị gia và học giả đã đề nghị thay đổi luật thừa kế để có thể thúc đẩy bình đẳng giới ở Nhật Bản. Thậm chí, đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) trước đó cũng đã xem xét thay đổi luật để phụ nữ có thể thừa kế.
Song đề xuất này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối, gây chia rẽ trong xã hội Nhật Bản khi tư tưởng bảo thủ không coi trọng phụ nữ đã ăn sâu vào tiềm thức một bộ phận. Giáo sư Jeff cho biết dù người dân ủng hộ đề xuất nhưng việc sửa đổi luật chủ yếu phục thuộc vào Thượng viện.