Sau một năm chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, người dân trên thế giới đang trông mong vào một mùa lễ Giáng sinh “bình thường mới". Thế nhưng, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã phá vỡ hy vọng này.
Giới chức Na Uy hôm 2/12 cho biết ít nhất 50 người được phát hiện nhiễm biến chủng Omicron sau tiệc Giáng sinh của công ty năng lượng tái tạo Scatec, được tổ chức tại nhà hàng ở thủ đô Oslo hôm 26/11. Đây được xem là đợt bùng phát biến chủng Omicron lớn nhất thế giới cho đến nay.
Trước đó, ngày 30/11, Scotland cũng báo cáo 9 trường hợp nhiễm bệnh và đã tham dự cùng một sự kiện riêng tư vào ngày 20/11.
Một số chuyên gia lo ngại trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cùng sự xuất hiện của Omicron, những bữa tiệc Giáng sinh ấm áp có thể trở thành ổ bùng phát của biến chủng mới.
Rủi ro lây nhiễm
Không giống năm 2020 khi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, các cuộc tụ tập lớn vào dịp Giáng sinh năm nay tại các nhà hàng, quán bar không bị cấm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố các nhóm đông người vẫn có thể mở tiệc tại quán bar, câu lạc bộ đêm hoặc tụ điểm karaoke.
"Chúng ta nên cố gắng tận hưởng Giáng sinh trước mắt", Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Anh, Thérèse Coffey, cho biết. “Nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên giữ tập tục ‘nụ hôn dưới cây tầm gửi'”.
Vào ngày lễ Giáng sinh, người phương Tây có truyền thống treo nhành tầm gửi trước cửa nhà, giúp đem lại sự may mắn và nếu đôi lứa hôn nhau dưới loại cây này, họ sẽ tiến tới hôn nhân trong tương lai gần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tập tục này, và thậm chí cả các hoạt động khác trong Giáng sinh, có thể dẫn đến rủi ro cao giữa lúc cả thế giới lo ngại về một làn sóng dịch từ biến chủng mới.
Các bữa tiệc Giáng sinh thường được tổ chức tại các nhà hàng với số lượng người đông đúc, trong không gian kín và thông gió kém. Điều đó tạo cơ hội cho virus lan truyền và khiến các bữa tiệc Giáng sinh trở thành sự kiện "siêu lây nhiễm".
“Việc chia sẻ cùng một bầu không khí và tương tác với nhau trong một căn phòng thông gió kém có nhiều người có thể gây ra nguy cơ cao”, Catherine Noakes, giáo sư tại Đại học Leeds cho biết.
Năm 2020, lễ hội hóa trang tại tòa thị chính Gangelt giáp biên giới Hà Lan từng bị ví là “Vũ Hán của Đức” sau khi trở thành nơi làm bùng phát dịch ở bang North-Rhine Westphalia.
Sau nhiều tháng phân tích địa điểm cùng các hoạt động chuyển động tại lễ hội, nhóm nghiên cứu tại Đại học Bonn cho biết hệ thống thông gió hoạt động kém của tòa thị chính Gangelt, chỉ đưa được 25% khí sạch vào luồng không khí, chính là yếu tố quan trọng khiến virus lan truyền trong đám đông.
Giáo sư Susan Michie, giám đốc Trung tâm Thay đổi Hành vi UCL, đồng thời là thành viên của nhóm cố vấn khoa học hành vi Spi-B, nhấn mạnh các hạt khí dung còn được biết là những giọt bắn siêu nhỏ, có thể bay lơ lửng và di chuyển trong không trung hàng giờ ở một căn phòng ngột ngạt. Do vậy, chúng có khả năng phát tán tác nhân gây bệnh vào không khí.
“Mối nguy hiểm lớn nhất trong các bữa tiệc Giáng sinh là mọi người nói chuyện ồn ào, ca hát và cười đùa, và điều này có thể dẫn đến virus lây lan từ những người không có triệu chứng”, bà nói.
Các hoạt động trong Giáng sinh như ca hát, nhảy múa trong môi trường không khí kín và ồn ào được cho là tạo ra cùng số lượng giọt bắn như lúc ho, cao gấp 20 lần khi nói chuyện bình thường, theo BBC.
Bên cạnh nguy cơ lây nhiễm qua khí dung, những người có virus trong mũi và họng có thể vô tình làm lây những giọt bắn mang mầm bệnh lên các vật dụng và bề mặt khi họ hắt hơi, ho khạc hoặc chạm lên bề mặt đồ vật như bàn và tay nắm cửa.
Những người tham dự tiệc có thể bị nhiễm bệnh khi họ chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này, sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình trước khi rửa tay.
Uống rượu có thể làm tăng thêm tinh thần tiệc tùng, nhưng cũng mang lại nhiều rủi ro. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã chỉ ra rằng mọi người trở nên gần gũi hơn với người lạ sau một vài lần uống rượu. Điều này có thể giúp virus lan truyền giữa các nhóm xã hội chưa từng biết nhau trước đây, theo nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard.
Trong sự kiện siêu lây nhiễm biến chủng Omicron ở Na Uy, khoảng 120 nhân viên của công ty Scatec đã tham dự bữa tiệc. Các nhân viên được cho là tổ chức tiệc trong phòng kín, nhưng sau đó đã tiếp xúc với những người khác khi nhà hàng biến thành hộp đêm.
Giới chức thành phố Oslo cho biết dự kiến có thêm nhiều trường hợp nhiễm biến chủng Omicron sau khi tiến hành truy vết đường lây lan từ bữa tiệc.
Giáng sinh có nguy cơ trở thành sự kiện siêu lây nhiễm
Dữ liệu của Mỹ cho thấy sự kiện siêu lây nhiễm có thể xảy ra dù chỉ có một người nhiễm tại một tụ điểm đông người.
Vào tháng 3/2020, một thành viên bị mắc Covid-19 của một dàn hợp xướng đã lây lan cho 32 người sau đó, và dẫn tới 20 ca khác được cho là có liên quan trong buổi tập hát ở Skagit County, Washington.
Theo biểu đồ của BCC, trong vài ngày đầu tiên của năm 2021, các ca mắc mới đã tăng lên, một phần có thể do ảnh hưởng của những bữa tiệc không thể tránh khỏi vào Giáng sinh năm ngoái, dù một số hạn chế được áp đặt.
Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ sự xuất hiện của biến chủng Alpha dễ lây lan vào thời điểm này, chưa chắc do hiệu ứng Giáng sinh nên chưa có kết luận chính xác.
Dẫu vậy, đây là lời cảnh báo, đặc biệt trong bối cảnh biên chủng “siêu đột biến" Omicron gây ra những lo ngại về khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến chủng Delta, theo tiến sĩ Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ (FAS).
Omicron mang N501Y - đột biến giúp tăng khả năng lây nhiễm của biến chủng Alpha và Gamma. Tuần trước, chuyên gia Scott Weaver thuộc nhánh Y tế Đại học Texas báo cáo trên tạp chí Nature rằng đột biến đặc biệt này khiến virus nhân lên tốt hơn ở đường hô hấp trên - mũi và cổ họng - và có khả năng lây lan mạnh khi mọi người hít thở, hắt hơi và ho.
Theo giáo sư Catherine Noakes, nguy cơ hàng đầu khiến những người tham gia các buổi tiệc Giáng sinh có khả năng cao mắc Covid-19 là hít phải giọt bắn mang mầm bệnh.
“Do đó, thực hiện các bước để giảm số lượng người trong một không gian và đảm bảo rằng căn phòng được thông gió tốt có thể sẽ mang lại lợi ích lớn hơn”, bà cho biết.
Trong khi đó, ông Simon Clarke, phó giáo sư vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading, nhận định Giáng sinh sẽ không phải là rủi ro duy nhất cần xem xét. Một số hoạt động khác cũng có thể dẫn tới các sự kiện siêu lây nhiễm.
“Bạn cũng có thể dễ dàng mắc Covid-19 tại một đám tang được tổ chức đông người. Cần phải nhớ rằng virus rất dễ lây truyền từ người sang người trong bất kỳ tình huống tiếp xúc gần gũi nào”, ông nói. “Mọi người không nên mong đợi khẩu trang hay vaccine là ‘hàng rào cản bất khả chiến bại’”.
Xem thêm: Biến thể Omicon đã lan tới Đông Nam Á, đây là quốc gia ghi nhận ca nhiễm đầu tiên