“Cho dù hoàn cảnh của bạn thế nào đi nữa, tôi vẫn mong câu chuyện của tôi sẽ khơi nguồn cảm hứng trong bạn. Hy vọng nó có thể giúp bạn nhận ra rằng bất kể bạn có khiếm khuyết gì, hay gặp khó khăn ra sao, bạn vẫn có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực”, Brad Cohen – một diễn giả, giáo viên, nhà quản lý trường học và tác giả nổi tiếng tại nước Mỹ nhưng lại mắc phải hội chứng rối loạn thần kinh (Hội chứng Tourette) chia sẻ.
Hội chứng Tourette và bắt nạt
Brad Cohen sinh năm 1973 và lớn lên tại St. Louis, Missouri (Mỹ) trong một gia đình Do Thái. Cha mẹ của anh ly dị khi anh còn nhỏ. Từ lúc đó, Cohen bắt đầu bị co giật liên tục trong ngày, gần như chỉ trừ thời gian ngủ. Anh gõ đầu gối vào bên trong cửa xe hơi, ngắt lời người khác bằng những tiếng kêu kỳ dị như tiếng “chó sủa”.
Thế nhưng, vào thập niên 80, căn bệnh của Cohen lại là một chứng bệnh không phổ biến. Các bác sĩ hầu như không thể lý giải được nguyên nhân căn bệnh và hầu như họ đều cho rằng Cohen bị như vậy là hậu quả tâm lý vì cha mẹ ly dị.
Chính vì thế, Cohen trở thành nỗi sợ hãi của những người dân trong thị trấn. Anh bị tất cả xa lánh, bị cấm tới rạp chiếu phim, rạp hát, nhà hàng hay những nơi công cộng. Anh bị những người xung quanh chế nhạo, đánh đập và xa lánh như một đại dịch. Thậm chí, có người còn hỏi mẹ Cohen rằng có phải anh bị ma nhập hay không.
Thấy những ánh mặt kỳ dị của những người xung quanh dành cho con mình, tim của người mẹ như bị hàng vạn mũi tên đâm trúng. Tuy nhiên, bố của anh lại không hiểu được tại sao con mình lại làm vậy, thường xuyên cáu gắt và phạt anh vì tội gây ồn ào.
Đứng trước nỗi đau bị cười nhạo, ngoài mẹ, Cohen chỉ biết bấu víu vào niềm hy vọng cuối cùng là nhờ những giáo viên mà anh vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng, giúp anh gắn kết với xã hội. Thế nhưng, đến bố ruột còn không thể hiểu thì những người xung quanh làm sao có thể cảm thông cho Cohen được chứ.
Thầy cô không hề thông cảm cho anh. Những người thầy, người cô mà Cohen tin tưởng đã nhiều lần quở trách và đuổi anh ra khỏi lớp, bởi trong mắt họ anh là người “luôn thích gây sự chú ý với người khác bằng những âm thanh phá rối”. Tất cả những điều này đã để lại trong Cohen nỗi đau về một tuổi thơ đầy khắc nghiệt.
Ước mơ làm thầy và hành trình vượt qua rào cản xã hội
Vào năm lớp 5, Cohen bị thầy giáo bắt phải đứng trước lớp để xin lỗi về những tiếng ồn mà anh đã gây ra và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Sự việc khiến Cohen vô cùng bẽ bàng, nhưng cũng từ lúc đó, khát khao được trở thành giáo viên bắt đầu nhen nhóm trong lòng anh. Anh muốn được trở thành một giáo viên chân chính, người không chỉ là nguồn tri thức cho học trò mà còn là đôi cánh nâng đỡ những số phận cần được cảm thông, giúp đỡ.
“Tôi luôn cảm thấy mình như một đứa trẻ bị cô lập, đẩy vào trong góc. Tôi thực sự cần tới sự giúp đỡ và cảm thông từ giáo viên nhưng tôi không nhận được điều đó. Từ đó, tôi biết rằng tôi muốn trở thành một giáo viên, một người biết lắng nghe, chấp nhận và giúp đỡ từng đứa trẻ”, Cohen nói.
Mẹ của Cohen không bao giờ chịu từ bỏ, bà luôn cố gắng tìm kiếm những tài liệu nói về triệu chứng mà con trai gặp phải. Tới năm Cohen 12 tuổi, cuối cùng mẹ anh đã phát hiện ra rằng anh mắc Hội chứng Tourette, một chứng bệnh bẩm sinh hiếm gặp, chứ không phải như những chẩn đoán trước đây của bác sĩ. Cũng từ đó, bố anh và nhà trường đã thấu hiểu và dần chấp nhận anh.
Mẹ của Cohen đưa anh tới một câu lạc bộ hỗ trợ những người mắc hội chứng Tourette với hy vọng con trai được truyền cảm hứng chiến thắng chứng rối loạn. Tuy nhiên, khác với suy nghĩ của Cohen và mẹ, những người ở đây căn bản chỉ đang than thở về những khó khăn họ gặp phải và cam chịu trước cuộc sống đó. Cohen thì khác, anh không muốn trốn tránh xã hội, anh muốn được hòa nhập nên nhanh chóng rời khỏi câu lạc bộ sau buổi gặp gỡ đầu tiên.
Vào đầu năm học lớp 8, hiệu trưởng quyết định để Cohen nói chuyện trước trường về hội chứng Tourette của anh. Bằng sự tự tin và kỹ năng nói của mình, Cohen đã chạm vào được trái tim của nhiều người, bắt đầu được mọi người cảm thông và khâm phục trước nghị lực của anh.
24 lần xin việc bị từ chối và người thầy được vạn người kính trọng
Cohen theo học chuyên ngành giáo dục tiểu học tại trường Đại học Bradley ở Peoria, Illinois. Sau khi tốt nghiệp với nhiều danh hiệu xuất sắc, Cohen chuyển đến Atlanta, Georgia vào những năm 1990 để tìm kiếm việc làm, nộp đơn xin việc tại nhiều trường tiểu học.
Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn đều bị ngắt quãng vì những hành động kỳ lạ của Cohen khiến anh luôn bị đánh giá thấp. Anh bị từ chối 24 lần trước khi Trường Tiểu học Mountain View chấp nhận cho anh thử việc.
Vào đầu mỗi năm học, Cohen luôn giới thiệu một cách hài hước về căn bệnh của mình cho các em học sinh. Dù vẫn bị co giật, phát ra “tiếng sủa” nhưng tất cả đều không làm sự chú tâm của lũ trẻ dành cho những bài học sinh động của Cohen. Anh thường xuyên kể những câu chuyện thú vị, mời những vị khách đặc biệt tới lớp để các em hiểu thêm về thế giới bên ngoài và giúp các học sinh cá biệt hòa nhập với lớp học.
Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn không thể chấp nhận nổi việc con cái của mình lại có một giáo viên “sủa tiếng chó”. Không ít phụ huynh đã chuyển lớp cho con nhưng họ đã đưa con trở lại lớp học chỉ vài tuần sau đó khi nhận ra cách giáo dục đặc biệt của giáo viên này.
Câu chuyện truyền cảm hứng của Cohen sau đó được chuyển thể thành phim với tựa đề “Trên bục giảng”. Bộ phim đã chạm tới trái tim của nhiều người và khiến không ít người xúc động. “Tôi không bao giờ để hội chứng Tourette định nghĩa tôi là ai. Tôi thực sự vui mừng vì đoàn phim ở Ấn Độ làm một bộ phim về cuộc đời tôi”, Cohen nói.