Millen Cyrus là một người mẫu chuyển giới và một người có ảnh hưởng trên Instagram đã bị bắt cùng với một người bạn nam vì lạm dụng ma túy trong một cuộc đột kích của cảnh sát vào khách sạn ở cảng Tanjung Priok, bắc Jakarta, Indonesia hôm Chủ nhật vừa qua.
“Millen được đưa vào phòng giam dành cho nam bởi thẻ căn cước công dân của cô ghi giới tính nam”, tờ báo địa phương Detik dẫn lời cảnh sát trưởng cảng Tanjung ông Ahrie Sonta.
Reza Rahandi, trưởng phòng cảnh sát ma túy nói với Detik, phòng giam chỉ có Millen và một nam tù nhân khác. Cảnh sát tin rằng người mẫu chuyển giới 21 tuổi này sẽ an toàn với lý do “cô ấy thường xuyên bị chúng tôi triệu tập để thẩm vấn”.
Trong khi đó, Millen mong muốn được chuyển tới phòng giam khác, không phải giam cùng với những phạm nhân nam.
Trước việc Millen bị giam ở buồng giam dành chon nam, cộng đồng người chuyển giới và Ủy ban Nhân quyền Indonesia đã lên án dữ đội. Đây không phải là lần đầu tiên nhà chức trách ngược đãi phụ nữ chuyển giới khi bị bắt giam.
“Tôi đã liên hệ với Phòng Luật Cảnh sát Quốc gia và được cam kết sẽ chuyển yêu cầu của chúng tôi đến cảnh sát trưởng Tanjung Priok để chuyển Millen đến phòng giam dành cho phụ nữ,” Beka Ulung Hapsara, một ủy viên tại Ủy ban Nhân quyền viết trên Twitter.
Hôm thứ Tư, yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền đã được chấp nhận và Millen hiện bị giam giữ trong một phòng giam đặc biệt, chỉ có một mình. Các nhà hoạt động xã hội cho rằng, nhà chức trách nên xem xét lại định nghĩa về giới tính, để ngăn những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai.
“Khi một phụ nữ chuyển giới vướng vào một vụ kiện tụng, cá nhân tôi nghĩ rằng cô ấy nên bị giam trong phòng giam dành cho phụ nữ, và tôi tin rằng những phụ nữ khác trong phòng giam sẽ không phản đối điều này. Đặt Millen vào phòng giam dành cho nam giới là một sai lầm lớn và là dấu hiệu cho thấy sự vô cảm của cảnh sát đối với sự đa dạng giới tính”, Anggun Pradesha, một nhà hoạt động về quyền chuyển đổi giới tính có trụ sở tại Jakarta, nói.
Mariana Amiruddin, một ủy viên tại Ủy ban Quốc gia về Bạo lực Đối với Phụ nữ, cho biết việc bị giam giữ cùng với nam giới cũng có thể khiến phụ nữ chuyển giới có nguy cơ bị lạm dụng và quấy rối tình dục.
“Indonesia thiếu các nhà tù dành cho nữ, và trong một số trường hợp, các tù nhân nữ được xếp cùng phòng giam với các tù nhân nam”, Mariana nói. Những phụ nữ bị bắt giữ hoặc tù nhân chuyển giới cần được đưa vào các phòng giam khác với nam giới để ngăn chặn quấy rối và bắt nạt tình dục.
Anggun cho biết phụ nữ chuyển giới cũng phải đối mặt với sự sỉ nhục từ chính quyền khi bị giam giữ: “Một số người bạn chuyển giới của tôi đã bị bỏ tù và họ không chỉ bị giam trong xà lim nam mà cảnh sát còn cạo trọc đầu họ, điều đó thật đáng sợ”.
Cạo trọc đầu của tù nhân nam khá phổ biến ở Indonesia, nhưng điều này cũng được thực hiện đối với những phụ nữ chuyển giới để “hồi sinh nam tính của họ”. Các cách đối xử khắc nghiệt khác bao gồm bị tước quyền và được yêu cầu thực hiện các bài tập kiểu quân đội như nhảy xổm hoặc chống đẩy.
Năm 2018, 12 phụ nữ chuyển giới ở Aceh đã bị cảnh sát bắt giữ, chẳng vì bất cứ lý do gì. Không chỉ cạo trọc đầu, cảnh sát còn bắt họ lột trần. Naila Rizqi Zakiah, nhân viên vận động tại Jakarta Feminist, một nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ, cho biết một số phụ nữ trong số những phụ nữ này đã thực hiện chuyển đổi nội tiết tố để ngực của họ đã phát triển.
Đồng tính luyến ái không phải là bất hợp pháp ở Indonesia, nhưng nhìn chung nó vẫn bị phản đối. Trong những năm gần đây, áp lực ngày càng gia tăng đối với cộng đồng LGBT, khi chính quyền tiến hành các cuộc đột kích vào các khu spa và chung cư để phá bỏ cái gọi là “tiệc đồng tính”.
Vào tháng 9, cảnh sát đã đột kích một trong những bữa tiệc này ở nam Jakarta, nơi có 56 người tham dự, và bắt giữ 9 người đàn ông được cho là người tổ chức sự kiện. Hiện vụ án vẫn đang được tiếp tục điều tra và chờ xét xử.