Bà Kerry Robertson, 61 tuổi, qua đời tại một viện dưỡng lão ở bang Victoria vào tháng 7. Bà được cấp phép sử dụng luật trợ tử gây tranh cãi sau quá trình phê duyệt kéo dài 26 ngày. Luật trợ tử này vốn chỉ áp dụng ở bang Victoria nhưng các bang khác của Úc cũng đang cân nhắc về nó.
Gia đình của Robertson cho biết bà đã “được quyền chết theo ý nguyện”.
Người phụ nữ mắc bệnh ung thư vú từ năm 2010 và lan sang xương, phổi, não và gan. Bà Robertson quyết định ngừng hóa trị và xạ trị vào tháng 3 khi “không chịu nổi” tác dụng phụ của thuốc và sự đau đớn về thể xác.
Luật trợ tử tại bang Victoria có hiệu lực từ tháng 6 năm nay, theo đó cho phép bệnh nhân nan y - những người đáp ứng các yêu cầu nhất định - có quyền sử dụng các loại thuốc gây chết người.
“Chúng tôi đã làm mọi thứ để có thể khiến bà hạnh phúc khi còn sống và thoải mái khi chết”, Nicole Robertson, con gái bà Robertson, nói.
Những ai được phép trợ tử?
Luật trợ tử của bang Victoria quy định 68 biện pháp bảo vệ và được lập ra để áp dụng cho những người chịu đau đớn nghiêm trọng về thể xác. Điều kiện để được chết bằng cách trợ tử là công dân từ 18 tuổi, và thời gian sống không còn quá 6 tháng. Họ cũng phải nêu 3 lý do “muốn chết” với các bác sĩ và được chấp nhận.
Dự luật được thông qua vào năm 2017 sau hơn 100 giờ tranh luận tại quốc hội và từng gây ra chia rẽ sâu sắc giữa các nhà lập pháp của tiểu bang.
Gia đình bà Robertson cho biết bà đã nộp đơn xin sử dụng luật trợ tử vào ngày luật này có hiệu lực hồi tháng 6.
Tây Úc và Queensland đang xem xét áp dụng các luật tương tự.
Năm 1995, Lãnh thổ phía Bắc thuộc Úc đã đưa ra luật trợ tử tự nguyện đầu tiên trên thế giới, nhưng bị chính quyền liên bang phủ quyết 8 tháng sau đó. Chính quyền liên bang không có quyền làm điều tương tự đối với luật ở các tiểu bang.
Bang Victoria của Úc không phải nơi đầu tiên trên thế giới cho phép những người mắc bệnh nặng tự nguyện chết với sự giám sát của các bác sĩ, Canada, Hà Lan và Bỉ cũng áp dụng luật trợ tử.