Đầu tháng này, Abdul Rahim, một người đàn ông ở Pinrang, Nam Sulawesi, đăng tải video lên mạng xã hội, tuyên bố anh ta đã tiêm 14 mũi vaccine Covid-19 của Sinovac thay cho những người không muốn đi tiêm.
Abdul Rahim cho biết anh ta được trả từ 100.000 đến 800.000 rupiah (7-56 USD) từ những người muốn có giấy chứng nhận tiêm chủng nhưng không muốn tiêm. Thẻ xanh vaccine được yêu cầu rộng rãi trên khắp Indonesia khi đi du lịch và tới những nơi công cộng như trung tâm mua sắm, quán cà phê và nhà hàng.
Việc đã tiêm hai mũi trước đó, có nghĩa là Rahim tổng cộng đã tiêm 16 mũi vaccine.
Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia cho biết họ đang điều tra các tuyên bố được đưa ra trong video và đang quyết định xem có buộc tội Rahim theo Luật về các bệnh truyền nhiễm của nước này hay không.
Theo luật, bất kỳ ai “cản trở việc thực hiện kiểm soát đại dịch” có thể bị phạt tù đến một năm và có thể bị phạt tiền.
Cảnh sát địa phương và Bộ Y tế Indonesia tuyên bố vào cuộc điều tra. Cảnh sát Sulawesi đã triệu tập một số người mà Rahim nói rằng anh ta đã thay mặt họ đi tiêm "hộ" vaccine. Ba người bị triệu tập sau đó đã thừa nhận họ không muốn tiêm chủng vì sợ kim tiêm và lo tác dụng phụ.
Video của Rahim nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Indonesia, nhưng không phải ai cũng sốc với tuyên bố của anh ta.
Dicky Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Úc, cho biết: “Tôi không ngạc nhiên vì tâm lý do dự và bài trừ vaccine vẫn tồn tại ở Indonesia với số lượng đáng kể. Đó cũng là một trong những lý do tại sao tốc độ của chương trình vaccine bắt đầu chậm lại, đặc biệt là bên ngoài đảo Java".
“Thông điệp thực sự quan trọng từ vụ việc của Abdul Rahim là một người có thể tiêm nhiều vaccine và được trả tiền cho khoản đó. Điều này cho thấy hệ thống tiêm chủng của Indonesia cần siết chặt hơn”, Budiman, nhà dịch tễ học cho hay.
Ông khuyến nghị chính quyền nên tăng cường việc xác nhận danh tính người dân trước khi tiêm chủng.