Hôm 27/8, Ronnie Long xuất hiện trước ống kính phóng viên tại nhà tù Bắc Carolina trong chiếc áo vest đen, thắt cà vạt đỏ, trên đầu đội mũ, tay mang theo ít hành lý cá nhân. Ông vẫy tay chào đám đông và vòng tay ôm một người thân thiết, sau đó chia sẻ với cánh truyền thông về án oan của mình. "Đó là một chặng đường dài", Long nói. "Nhưng giờ mọi chuyện đã qua rồi".
Với chiếc khẩu trang in dòng chữ "Free Ronnie Long" (tạm dịch: "Hãy phóng thích Ronnie Long"), ông bùi ngùi cảm ơn những người bạn, người thân và cả những con người xa lạ vẫn kiên trì ủng hộ ông trên con đường đòi lại công lý. Cuộc chiến dài đằng đẵng bắt đầu khi Long bị một bồi thẩm đoàn da trắng tuyên án tù chung thân vì tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng 54 tuổi và cướp tài sản vào ngày 25/4/1976 tại Concord, Bắc Carolina.
Giờ đây, ở tuổi 64, Long đã được trả tự do vào hôm 27/8 sau khi chính quyền bang Bắc Carolina gửi đơn kiến nghị lên Toà án Liên bang. Trước đó, các bằng chứng trong vụ án bao gồm mẫu tinh dịch và dấu vân tay thu thập được tại hiện trường vốn không khớp với ông Long, nhưng yếu tố quan trọng này đã bị cơ quan hành pháp giấu nhẹm đi.
"Vì sự gian dối xảy ra tại phiên tòa vào lúc đó, Ronnie và luật sư của ông ấy không có bằng chứng để trình bày với bồi thẩm đoàn", trích lời Jamie Lau, giáo sư luật tại Đại học Duke kiêm luật sư của ông Long. "Chính vì vậy, ông đã phải ở tù oan 44 năm".
Nạn nhân khai rằng bà bị tấn công tình dục và hành hung tại nhà riêng, hung thủ đã bỏ trốn ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội. Hai tuần sau đó, cảnh sát mời bà đến để nhận mặt nghi phạm. Người phụ nữ này xác định Long là người đã cưỡng bức bà.
Phiên tòa xét xử diễn ra với các thành viên bồi thẩm đoàn là người da trắng, trong khi bên biện hộ chỉ toàn người da màu. "Có rất nhiều yếu tố bất lợi đối với Ronnie, phần lớn trong số đó là nạn phân biệt chủng tộc ở Bắc Carolina, đặc biệt là thành phố Concord vào năm 1976", Lau nói. Theo Lau, các bồi thẩm đoàn đã chịu ảnh hưởng từ định kiến cá nhân trong quá trình xét xử, khiến ông Long chịu án tù oan hơn 4 thập niên.
Các nhà hoạt động vì dân quyền và chính khách tại địa phương đã lên tiếng ủng hộ việc trả tự do cho Long. Anthony Spearman, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) tại Bắc Carolina, gọi án oan của Long là "bức tranh thu nhỏ về sự bất công". Thị trưởng thành phố Charlotte, Vi Lyles, nói: "Ronnie Long đã phải gánh nỗi hàm oan suốt 44 năm ròng. Tôi không thể tưởng tượng nổi bản thân ông ấy và những người thân yêu cần có bao nhiêu nghị lực để chịu đựng bi kịch này".
Suốt bao năm qua, Long vẫn kiên trì đấu tranh để chứng minh mình bị hàm oan. Phán quyết mới nhất hôm 26/8 không khẳng định ông vô tội. Toà án Liên bang đã giao quyền quyết định cho một tòa án cấp dưới. Tuy nhiên, Lau tin rằng cơ quan hành pháp sẽ sớm đưa ra kết luận thỏa đáng.
Long rất vui mừng khi có thể đoàn tụ cùng người thân, nhưng đau lòng thay, mẹ ông không chờ nổi ngày con trai được phóng thích. Bà cụ qua đời 6 tuần trước lúc Long rời nhà tù. Cả một đời người mẹ thương con chỉ trông mong con trai được minh oan, sớm trở về với gia đình, bè bạn. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, câu cuối cùng bà bật thốt vẫn là: "Ronnie về nhà chưa?"