Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2008, khi một người họ hàng xa của ông Savani qua đời chỉ một tuần trước khi cô con gái 20 tuổi kết hôn. Ông Savani đã đứng ra giúp đỡ người họ hàng quá cố làm tròn trách nhiệm của một người cha - sắp xếp và chi trả mọi chi phí cho ngày trọng đại nhất trong cuộc đời cô cháu họ.
Sự kiện đó đã khơi dậy trong lòng ông Savani nhiều tâm tư: “Đó là khi tôi bắt đầu tự hỏi mình về những cô gái khác, đặc biệt là những người xuất thân nghèo khó, những người đã không còn cha trước khi kết hôn. Tôi có thể hình dung ra nỗi sợ hãi và lo lắng của người mẹ cùng cô con gái, và tự hỏi liệu họ có thể tìm được một chàng rể và đủ tiền trang trải hôn lễ hay không”.
Ở Ấn Độ, sống độc thân vốn là đặc quyền chỉ dành cho giới siêu giàu. Còn với những người phụ nữ xuất thân bình dân, kết hôn là số phận không có cách nào né tránh. Những người không thể tìm được một tấm chồng bị coi là mang vận xui - đó là lý do vì sao góa phụ và những phụ nữ đã ly hôn không có chút địa vị nào trong xã hội.
Với những cô gái mất cha, nếu không có món hồi môn đắt tiền, thì ngay cả khi có một người họ hàng sẵn sàng giúp tổ chức hôn lễ, họ vẫn phải chật vật tìm một người bạn đời phù hợp. Hầu hết các bậc cha mẹ ở Ấn Độ đều tin rằng, mọi sự nỗ lực đầu tư cho con trai học hành đã bị phủ nhận hết nếu con họ kết hôn với một cô vợ “tay trắng”.
Lòng trắc ẩn đã thôi thúc người đàn ông 47 tuổi, giám đốc một công ty tư vấn bất động sản tại Surat, Gujarat (Ấn Độ), tự giao cho mình nhiệm vụ phải giúp đỡ bất cứ cho đám cưới của cô gái trẻ nào mất cha nào tìm tới mình.
Suốt 8 năm qua, nhờ món quà 400 rúp (khoảng 8.000 USD) chi trả tiền thuê lễ đường, cỗ cưới, trang sức vàng, váy áo cô dâu và một số vật dụng trong gia đình, ngày hạnh phúc của 472 cô gái trẻ đã được trọn vẹn.
Asha Roy, 27 tuổi, một trong 216 nhân vật chính trong hôn lễ tập thể năm 2013, và cũng là 1 trong 472 “con gái” của ông Savani, tâm sự, cha ruột cô đã qua đời vì xuất huyết não khi cô chỉ mới lên 3. “Mẹ tôi đã xoay xở để hai chị gái tôi được kết hôn, nhưng chẳng còn tiền dành cho tôi hay em gái tôi. Rồi tôi nghe người ta nói về cha Mahesh và ông ấy đã giúp chúng tôi. Điều đó đối với chúng tôi như một câu chuyện cổ tích vậy. Tôi chưa bao giờ có vàng, và chỉ toàn mặc quần áo second-hand. Nhưng rồi đám cưới tuyệt vời nhất đã đến với tôi”.
Ông Savani chia sẻ: “Sau khi mọi việc xong xuôi, tôi vẫn đối xử với họ như con gái mình, không phân biệt tôn giáo hay giai cấp”. Những ngày đặc biệt của họ luôn có ông bên cạnh.
Nhớ lại mọi chuyện, Puja Prashant, 27 tuổi, kết hôn năm 2011, vẫn vô cùng cảm kích: “Cha Mahesh vẫn gọi điện hay nhắn tin cho chúng tôi. Khi chị gái tôi - cũng được cha giúp tổ chức hôn lễ - gặp vấn đề khi mang bầu, cha đã túc trực ở bệnh viện”.
Cha ruột của Prashant đã qua đời chỉ bốn ngày trước khi chị gái cô kết hôn. Lúc đó, cô mới 19 tuổi. Biết hoàn cảnh nhà Prashant, ông Savani đã tìm tới nơi, hứa sẽ giúp đỡ cả 3 chị em cô. “Tôi nhìn thấy mặt mẹ mình dãn ra. Nó giống như thể ai đó đã gỡ bỏ rồi quẳng đi gánh nặng đè lên vai mẹ. Sự nhẹ nhõm đó đã khiến mẹ không kìm được nước mắt… Kể từ đó, ông ấy giống như một cái cây lớn, che chở, bảo vệ cho cả gia đình tôi”.
47 đám cưới đầu tiên được tổ chức riêng, nhưng bởi có quá nhiều việc cần phải chuẩn bị, ông Savani đã buộc phải tổ chức hôn lễ tập thể tháng 12 mỗi năm tại sân trường quốc tế P. P. Savani, nơi ông là Chủ tịch.
“Tôi đề nghị các cặp đôi trước đây giúp đỡ tổ chức hôn lễ vì một mình tôi không thể làm xuể. Thế là những cô dâu từng được tôi giúp đỡ đã giúp mua đồ trang sức, quần áo và những thứ khác”.
Điều may mắn là, vợ và hai con trai của ông Savani đều ủng hộ những gì ông đang làm. “Cách đây lâu rồi, họ hàng tôi khuyên tôi không nên nhận nuôi con gái, và giờ thì tôi đã có 472 cô con gái nuôi”, ông Savani cười thích thú.