Đoạn video ghi lại quá trình tổ chức tang lễ cho những chú chó robot.
Ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản, một ngôi chùa Phật giáo có tên Kofukuji 450 năm tuổi đã tạo sự chú ý không hề nhỏ đối với người dân khi tổ chức một đám tang cho một loại “thú cưng” rất đặc biệt - robot. Các đám tang này được tổ chức giống hệt những đám tang truyền thống khác diễn ra trên đất nước mặt trời mọc khi có đầy đủ hương khói, nhà sư tụng kinh và cầu siêu cho việc linh hồn chuyển kiếp của người đã khuất. Đám tang còn có cả người đưa tiễn tham dự vì họ cho rằng, robot cũng có linh hồn cần phải được nghỉ ngơi.
Nghi thức này được thực hiện cho AIBO (viết tắt của robot thông minh nhân tạo) của Sony. AIBO là robot gia đình đầu tiên trên thế giới có khả năng phát triển tính cách của riêng mình.
Vào tháng 6/1999, 3.000 con robot thế hệ đầu tiên đã được bán ra thị trường Nhật Bản và hết hàng chỉ trong 20 phút với giá bán hơn 2.000 USD (tương đương 43 triệu VND).Trong những năm tiếp theo, hơn 15.000 con tiếp tục được tiêu thụ trên thị trường với đầy đủ các phiên bản và đa dạng màu sắc. Tuy nhiên, đến năm 2006, Sony gặp rắc rối và buộc phải tiêu hủy toàn bộ robot còn lại. Nhiều người đoán già đoán non rằng đó là sự cố trong việc thiếu cập nhật phần mềm.
Trong những năm gần đây, công ty sửa chữa điện tử A FUN chuyên sửa chữa phần mềm đã gửi đi 800 chiếc AIBO theo cách này tại một ngôi đền Phật giáo. Với những chú chó robot đã cũ hoặc “chết”, người chủ thường gửi nó vào công ty để các kỹ thuật viên có thể tận dụng những bộ phận chính hãng phục vụ việc sửa chữa.
Những con chó không còn phục vụ chủ đều là robot bị lỗi nhưng trước khi được đưa vào sử dụng chính thức, công ty tôn trọng chúng bằng cách gửi đi một cách truyền thống và trang trọng. Những chú chó thường được lấy tên là chữ cái đầu tiên trong tên của chủ nhà.
“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng sẽ có một lời cầu nguyện cho AIBO của tôi”, một người chủ viết trong bức thư gửi đến nhà chùa.
“Xin hãy giúp các robot khác nữa. Tôi thực sự đau lòng khi phải nói lời tạm biệt với người bạn thân thiết của mình”, một người chủ khác chia sẻ.
Bungen Oi, một nhà sư tại ngôi đền Kofukuji cho biết việc nói rằng máy móc không có linh hồn là vô cùng bất hợp lý. “Chúng tôi muốn trả lại linh hồn cho chủ sở hữu và biến robot thành một cỗ máy để có thể tận dụng các bộ phận của chúng. Thường thì chúng tôi không nhận linh kiện trước khi đám tang diễn ra”, Nobuyuki Norimatsu, người đứng đầu A FUN, cho biết.